Củ Bách bộ chữa ho


Theo Đông y, bách bộ có vị ngọt, đắng, không độc, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Thường dùng trị ho, giun đũa, giun kim...



Bách bộ còn có tên dây ba mươi, sam síp lạc (Tày), bẳn sam síp (Thái), pê chầu chàng (Mông), hơ linh (K`ho), dây đẹt ác, mùi sấy dòi (Dao), có tên khoa học là Stemona Tuberosa lour là loại dây leo thân cỏ, sống nhiều năm, có thể dài tới 5 - 6m.
Rễ củ, nhiều nạc. Lá mọc đối hay so le, phiến lá hình tim, gân chính hình cung, nhiều gân ngang nhỏ. Hoa mọc ở kẽ lá, màu vàng lục, mặt trong đỏ tía, có mùi hôi. Quả nang, nhiều hạt.
Dây bách bộ thường mọc hoang ở miền núi, bộ phận làm thuốc là rễ củ. Thu hoạch tốt nhất vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ hai đầu, đem đồ vừa chín hay nhúng nước sôi. Loại nhỏ để nguyên, loại lớn bổ dọc đôi, phơi nắng hay sấy đến khô.
Theo Đông y, bách bộ có vị ngọt, đắng, không độc, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Thường dùng trị ho, giun đũa, giun kim... Dùng ngoài sắc lấy nước rửa hoặc nấu cao bôi chữa lở ghẻ. Còn có tác dụng diệt côn trùng, bọ gậy, chấy rận.
Sau đây là bài thuốc có bách bộ:
- Chữa ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít: Bách bộ 16g, kinh giới 12g, bạch tiền 12g, cát cánh 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống trong 5 ngày
- Chữa ho tự nhiên không dứt: Bách bộ tươi hơ trên lửa nướng cho khô, mỗi lần lấy nước một ít ngậm nuốt nước.
- Chữa ho gà: Bách bộ 12g, bạch tiền 12g, cam thảo 4g, sắc uống với đường, mỗi ngày chia làm 3 lần uống liên tục 3 - 4 ngày.
- Chữa trẻ em ho do nhiễm lạnh: 30g bách bộ (sao), 30g ma hoàng bỏ đốt, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, sao, nghiền nhỏ sắc kỹ lấy nước hòa với bách bộ và ma hoàng hoàn thành viên như hạt bồ kết. Mỗi lần uống 2 - 3 viên với nước ấm.
- Tẩy giun: Dùng bách bộ sắc uống 10g mỗi ngày vào lúc sáng sớm, khi đói, uống trong 5 ngày có tác dụng tẩy giun; Bách bộ tươi 40g (bằng 20g bách bộ khô), nước 200ml, sắc đun sôi trong nửa giờ, cô lại còn khoảng 30ml. Dùng nước thuốc thụt giữ 20 phút. Điều trị như vậy trong thời gian 10-12 ngày là khỏi bệnh giun kim.
Chú ý: Người có tì vị hư nhược không nên dùng.

Theo DS Mỹ Nữ - Nông nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét