Công dụng chữa bệnh bất ngờ của cây ngải cứu


Công dụng chữa bệnh bất ngờ của cây ngải cứu

Dù dùng ở bất kì hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh.

Cây ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, thường có mùi thơm nồng và có vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa. Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc. Dù dùng ở bất kì hình thức nào thì cây ngải cứu cũng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh.

Dưới đây là một số công dụng phổ biến và hữu hiệu của cây và lá ngải cứu:

1. Làm thuốc điều kinh

Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g). 

Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

2. Giúp an thai

Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai. 

3. Sơ cứu vết thương: 

Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức,

4. Trị mụn, mẩn ngứa

Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.

5. Đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt

Lấy 300gr ngảic cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong (ruồi, nghệ), vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1-2 tuần. 

6. Lưu thông máu lên não

Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn. 

7. Suy nhược cơ thể, kém ăn 
Lấy 250gr ngải cứu, 2 quả lê, 20gr câu kỷ tử, 10gr đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150gr, hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm) còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần. 

8. Cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh

Lấy 300gr ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp, 100gr lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Cách thứ 2: Nấu lá thuốc cứu với 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá, 50gr lá sả trong 1 lít nước còn 0,5 lít. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3-5 ngày.

Ngải cứu được coi là tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây ra ngộ độc. Độc tính của ngải cứu khi dùng quá liều là làm cho thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt. 

Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh,…

(Theo Afamily)

Nhân sâm có chữa suy giảm tình dục?


Nhân sâm có chữa suy giảm tình dục?

Phương pháp điều trị đối với bệnh suy giảm tình dục là làm ấm tạng thận bằng các thuốc có tác dụng bổ khí, tráng dương; trong đó không thể thiếu nhân sâm

Một số bài thuốc trợ dương có nhân sâm:
Bài 1
Nhân sâm, nhung hươu, nhục quế mỗi thứ 6g, kỷ tử, thục địa, sơn thù nhục, ba kích, dương khởi thạch mỗi thứ 10g; dâm dương hoắc 15g, hoàng kỳ 30g, cam thảo sao 3g. Nhân sâm và nhung hươu sấy khô, tán bột, chia uống 2 lần (sáng, chiều) với nước ấm. Các vị khác sấy sắc kỹ lấy nước cốt, chia uống 2 lần trong ngày.
Bài thuốc này có công dụng bổ thận, ích tinh, thích hợp cho những người suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: tai ù, sức nghe giảm, hay hoa mắt, chóng mặt, dễ mệt mỏi, sắc mặt nhợt, lưng gối mỏi...

Bài 2
Nhân sâm, nhục quế, bạch thược, cam thảo (sao), hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung, bạch truật, bạch linh, thục địa lượng bằng nhau. Tất cả đem sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 15g (chia 2 lần) với nước sắc của 2 quả đại táo và 3 lát gừng tươi, uống khi bụng đói.
Bài này có công dụng ích khí, dưỡng huyết, ôn dương bổ tinh, thích hợp cho người bị suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, mất sức, sắc mặt nhợt nhạt, hay khó thở, hoa mắt, chóng mặt, dễ hồi hộp, ăn kém, đại tiện lỏng loãng...
Bài 3
Nhân sâm, bạch linh, bạch thược, nhục quế, bạch truật, ngũ gia bì mỗi thứ 30g, cam thảo (sao) 15g, bào khương 6g. Tất cả sấy khô, tán bột đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g (khi bụng đói) với nước sắc 3 quả đại táo và 2 lát gừng tươi.
Bài này thích hợp cho những người bị suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi do lao lực quá độ, lưng gối đau mỏi, tứ chi gầy yếu, hay đau bụng dưới, ngủ kém, hay mê mộng...
Bài 4
Nhân sâm, nhung hươu, ba kích, phúc bồn tử, dâm dương hoắc mỗi thứ 50g. Tất cả sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước muối nhạt.
Bài thuốc này có công dụng bổ thận, tráng dương, dùng cho người bị suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: lưng gối mỏi đau, đầu choáng, hoa mắt, tinh thần bạc nhược, sắc mặt trắng nhợt, sợ lạnh, chân tay lạnh, ăn kém đại tiện lỏng loãng...
Bài 5

Nhân sâm 30g; viễn chí, sinh toan táo nhân, đương quy, bạch thược mỗi thứ 60g, sa nhân 75g, bạch truật, hoài sơn, thần khúc mỗi thứ 90g; bạch linh, thỏ ty tử mỗi thứ 120g, sài hồ 15g, cam thảo (sao) 10g. Tất cả sấy khô, tán bột đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm, uống khi bụng đói.
Bài thuốc này có công dụng dưỡng tâm, kiện tỳ, bổ khí huyết, cố thận khí, thích hợp với người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng như: xuất tinh sớm hoặc di tinh, đầu choáng, mắt hoa, mệt như mất sức, hay hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, ăn kém, mất ngủ...
Bài 6
Nhân sâm, nhung hươu mỗi thứ 50g, dâm dương hoắc 100g, hà thủ ô chế và đỗ trọng mỗi thứ 200g, tử hà sa 250g, thục địa và quy bản mỗi thứ 300g. Tất cả sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội; uống khi bụng đói.
Bài thuốc này có công dụng tráng dương, bổ thận, bổ khí, dưỡng huyết, thích hợp với người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng lưng gối đau mỏi, tinh dịch lạnh loãng, đầu choáng, mắt hoa, tinh thần mỏi mệt, di tinh, liệt dương...
Bài 7
Nhân sâm 3g, chim sẻ 2 con, phúc bồn tử, thỏ ty tử, kỳ tử mỗi thứ 10g, ngũ vị tử 5g, gạo tẻ 100g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Chim sẻ làm sạch, bỏ nội tạng đem nấu với gạo và gừng tươi thành cháo. Các vị thuốc khác sấy khô, tán thành bột rồi hoà với cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Món ăn này giúp tráng dương, bổ thận. Trong đó, chim sẻ có công năng tráng dương, nâng cao năng lực tình dục; các vị thuốc có tác dụng bổ thận, ích tinh. Dùng cho những người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng mệt mỏi nhiều, lưng gối đau mỏi, đầu choáng, mắt hoa, xuất tinh sớm....
Lưu ý: Tất cả các bài thuốc trên chỉ dùng cho người bị suy giảm tình dục thuộc thể thận dương hư nhược. Không dùng cho bệnh nhân thể thận âm hư nhược; biểu hiện là: môi khô, miệng khát, lòng bàn tay và chân nóng, ngực bồn chồn không yên, đại tiện táo kết, tiểu tiện vàng đỏ....
(Theo Sức khỏe sinh sản)

Thuốc hay từ địa hoàng


Thuốc hay từ địa hoàng

Đặc trị táo bón và tiểu đường.

Địa hoàng là cây sinh địa hoàng, thường gọi tắt là cây sinh địa (Rhemannia glutinosa Gaertn ), họ hoa mõm sói (Scrophulariacea). Bộ phận dùng làm thuốc là rễ (Radix Rhemanniae). Sau khi thu hoạch, tùy theo cách chế biến, rễ sinh địa hoàng sẽ cho các sản phẩm khác nhau với những tác dụng cũng khác nhau như: tiên địa hoàng, can địa hoàng, sinh địa, thục địa.
Tiên địa hoàng
Rễ địa hoàng tươi vừa được thu hoạch. Tiên địa hoàng có độ dài khoảng 15-20cm, đường kính khoảng 1,5 - 2cm, vỏ rễ căng nhẵn, màu vàng nhạt, vị ngọt, đắng nhẹ, nhiều dịch. Can địa hoàng: tiên địa hoàng thái phiến, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. Can địa hoàng có vị ngọt, đắng hơn tiên địa hoàng. 
Sinh địa hoàng.
Thục địa

Đem sinh địa nấu, hoặc chưng với hỗn hợp gồm sinh khương (gừng tươi), sa nhân, rượu trắng (35-40 độ) nhiều giờ, sau đó đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp (60-700C) rồi lại nấu tiếp và phơi như trên, làm nhiều lần. Trong quá trình phơi, thường xuyên lấy dịch nấu ban đầu còn lại, tẩm vào vị thuốc, làm nhiều lần cho đến khi sản phẩm chế có thể chất mềm, dẻo, màu đen, sờ không dính tay. Từ sinh địa hoàng đã cung cấp tới 4 vị thuốc nói trên.

Tuy nhiên, việc bảo quản 2 vị thuốc tiên địa hoàng và can địa hoàng rất khó và hoạt chất của chúng cũng không ổn định. Vì vậy sinh địa và thục địa là 2 vị thuốc chính thức được dùng trong y học cổ truyền.
Dương địa hoàng tía.
Sinh địa
có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào kinh tâm, can, thận; có công năng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch, chỉ khát. Chủ trị: sốt cao, miệng khát, lưỡi đỏ, tâm phiền do tà nhiệt nhập vào phần dinh, phần huyết, phối hợp với hoàng liên, huyền sâm, hạ khô thảo… Sinh địa được dùng trị các chứng bệnh:
- Khi cơ thể bị huyết nhiệt, dẫn đến xuất huyết, phối hợp với tê giác, mẫu đơn bì, trắc bách diệp (sao cháy), hoa hòe (sao đen)…
- Trị táo bón, nhất là sau thời kỳ bị sốt, nhiệt làm tổn thương tân dịch, người khô háo, phối hợp với huyền sâm, mạch môn, thảo quyết minh…
- Trị bệnh tiểu đường: Tiên địa hoàng và can địa hoàng, tính hàn, lương, có tác dụng sinh tân chỉ khát tốt, dùng trị bệnh tiểu đường tốt hơn sinh địa. Nếu có điều kiện dùng riêng tiên địa hoàng hoặc can địa hoàng, mỗi ngày 16 -20g, dưới dạng nước ép, hoặc nước sắc. Còn với sinh địa, có thể dùng phương Lục vị gia giảm: sinh địa, hoài sơn, mỗi vị 20g; thạch hộc, mẫu đơn bì mỗi vị 12g; thiên hoa phấn, sa sâm, sơn thù du mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 - 3 tuần lễ.
Lưu ý: Những người tỳ hư, dương hư, đầy trướng bụng, phân nát, lỏng không nên dùng sinh địa.
Dương địa hoàng lông.
Thục địa
có vị ngọt, tính ấm, vào 3 kinh tâm, can, thận. Có công năng tư âm, dưỡng huyết, sinh tân chỉ khát, bổ thận âm. Được dùng chủ yếu để bổ huyết trong các trường hợp: thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, tân dịch khô sáp, mắt khô, râu tóc bạc sớm: thục địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 -3 tuần lễ. Hoặc bổ cả khí và huyết, trong trường hợp khí huyết lưỡng hư, da xanh xao, người mệt mỏi: thục địa, đương quy, bạch truật, bạch linh, nhân sâm, bạch thược mỗi vị 12g; xuyên khung 8g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 2 - 3 tuần lễ.
Lưu ý
Tránh nhầm lẫn cây sinh địa hoàng với cây dương địa hoàng tía (Digitalis purpurea L.) và cây dương địa hoàng lông (Digitalis lanata Ehrh.), đều thuộc họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cả hai cây đều mọc hoang và được trồng ở châu Âu và Bắc Mỹ để lấy nguyên liệu chiết xuất glycosid tim, được di thực vào nước ta. 
(Theo Sức khỏe&Đời sống)

Lá vông chữa mất ngủ


Lá vông chữa mất ngủ

Lá vông tươi 20g, rửa sạch, vò qua, vẩy khô hấp vào nồi cơm sau khi cạn...

Cây vông là loại cây dễ trồng, mọc nhiều ở rặng rào, ven đường hoặc vùng đồi núi, được nhiều người dân trồng lấy lá  trị bệnh, an thần, chống lo âu, phiền muộn, nhức  đầu, chóng mặt.
Chữa mất ngủ: Lá vông tươi 20g, rửa sạch, vò qua, vẩy khô hấp vào nồi cơm sau khi cạn. Có thể đun làm nước uống. Trước khi đi ngủ, ăn vài lá vông này, ngủ sâu giấc.
Chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu, hoặc lòi dom: Lá vông 30g, lá sen 10g giã, vắt lấy nước cốt uống, nếu bị lòi dòm thì  lấy bã đắp vào.
Chữa mồ hôi trộm ở trẻ em: Dùng 20g lá vông, giã nát, nhào chút nước nóng cho trẻ uống, hoặc đun lá vông lên uống.
Chữa sa dạ con: Lấy lá vông 30g, lá tiểu kế 20g, hạt tơ hồng 20g, giã nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày; Kết hợp lấy 10 hạt thầu dầu tía, giã nát với giấm, đắp và băng lại.
Trừ phong thấp, chân tê  phù: Vỏ cây vông, vỏ chân chim, kê huyết  đắng, phong kỷ, ý dĩ sao, ngưu tất, mỗi vị 5g, sắc uống ngày 3 lần. Uống khoảng 10 ngày.
Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh: Hoa vông 15g sắc uống hằng ngày, khoảng 1 tuần - 10 ngày.
Chữa sau đẻ máu sẫm, choáng đầu, mờ mắt: Vỏ vông già, lá mần tưới, cỏ mần trầu, ngưu tất, mỗi vị 10g sắc uống.

(Theo Khoa học và Đời sống)

Không ăn rau dền nếu hay bị đi ngoài


Không ăn rau dền nếu hay bị đi ngoài

Ngày hè, thời tiết oi bức nếu bữa cơm có đĩa rau dền luộc, hay bát canh cua rau dền thì thật tuyệt vời.

Theo Đông y, rau dền có vị  hơi ngọt, tính mát. Rau dền có 2 loại trắng và đỏ, có công hiệu thanh nhiệt, cầm máu, chữa kiết. Rau dền chứa nhiều protit, lipit, gluxit, nhiều vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt, canxi  cao nhất trong các loại rau tươi. 
 
Ngày mùa hè, thời tiết oi bức nếu bữa cơm có đĩa rau dền luộc, quả cà  muối, vừa ngon miệng, vừa giải nhiệt, hay dùng rau dền nấu canh cua thì thật tuyệt vời. Ngoài là món ăn bổ dưỡng, rau dền còn là vị thuốc khá hiệu nghiệm như:
Rau dền xào có tác dụng bồi bổ, giúp tăng trưởng, rất thích hợp cho trẻ em.
Cháo rau dền đỏ giúp thanh nhiệt chữa kiết...
Rau dền luộc có công hiệu thanh nhiệt giải độc, tác dụng hỗ trợ điều trị cho người đau mắt đỏ, thông đại tiểu tiện, là thức ăn lý tưởng cho người táo bón do nhiệt.
Chữa vết ong đốt: Nếu bị  ong đốt, nhất là giống ong to có độc, thì lấy rau dền vò nát, xát luôn vào chỗ bị  ong đốt một lúc thì khỏi.
Chữa tăng huyết áp: Rau dền  đỏ 20 g, lá mã đề non tươi 20 g, lá dâu non 20 g, nấu canh ăn hằng ngày.
Chữa lỵ ra máu: Rau dền  đỏ 20 g, lá mơ lông 20 g, rau sam 20 g, cam thảo  đất 16 g, sắc uống ngày một thang. Hoặc rau dền đỏ 30 g, rau sam 30 g, nấu canh ăn ngày 1 - 2 lần.
Tuy vậy, nhưng rau dền có vị lạnh nên những người tính lạnh, hay đi ngoài, hay ăn thịt ba ba xong không nên ăn rau dền.
 
(Theo Khoa học và Đời sống)

Dừa cạn có trị được ung thư?


Dừa cạn có trị được ung thư?

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, hoặc lá, hoặc cả cây. Thường thì người ta nhổ nguyên cả bụi cây đem về phơi khô, chặt nhỏ...

 
Dừa cạn (tên khoa học catharanthus roseus, vinca rosea, thuộc họ trúc đào – Apocynaceae) là một loại cây thân thảo ưa nắng, tồn tại được trong các điều kiện khô hạn và thiếu dinh dưỡng, nên dễ dàng trồng trọt ở các nước ôn đới và nhiệt đới. Hoa có thể là màu hồng tím, trắng, hồng đào, đỏ cam, đỏ pha trắng,… Cây ra hoa quanh năm nên còn có tên gọi là trường xuân hoa, tứ thời hoa, nhật nhật tân.
Cây cảnh “kiêm” thuốc quý
Ở Việt Nam và một số nước châu Phi, châu Mỹ, dừa cạn được trồng cảnh và làm thuốc thông tiểu, điều kinh, trị tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt rét, kiết lị, tiêu hoá kém…
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, hoặc lá, hoặc cả cây. Thường thì người ta nhổ nguyên cả bụi cây đem về phơi khô, chặt nhỏ, có thể sao qua cho thơm trước khi nấu nước uống. Tuỳ vào mục đích trị liệu và kinh nghiệm địa phương, có thể dùng độc vị dừa cạn hoặc phối hợp với những vị thuốc khác.

Hơn mười loại alkaloid được tìm thấy trong dừa cạn, là nguyên liệu bào chế thuốc điều trị ung thư. Ảnh: Sg.Photog
Dừa cạn trồng ở Việt Nam chứa khoảng 0,1 – 0,2% alkaloid toàn phần. Trong đó, loại hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao nhất. Tỷ lệ alkaloid trong rễ (0,7 – 2,4%) cao hơn trong thân (0,46%) và lá (0,37 – 1,15%).
Hơn mười loại alkaloid được tìm thấy trong dừa cạn, chủ yếu là vinblastin, vincristin, tetrahydroalstonin, pirinin, vindolin, catharanthin, vindolinin, ajmalicin…
Trong đó, ajmalicin có hiệu quả tốt trong điều trị rối loạn thần kinh tim. Còn vinblastin và vincristin có tác dụng làm ngừng sự phân chia tế bào ở pha giữa do có khả năng liên kết đặc hiệu với tubulin, protein ống vi thể ở thoi phân bào. Vì thế, chúng được sử dụng làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị ung thư.
Thuốc hay nhưng phải có thầy giỏi
Trong điều trị ung thư, thường sử dụng dạng muối sufat để chế tạo dạng chế phẩm tiêm truyền tĩnh mạch. Vincristin sulfat được sử dụng khá rộng rãi để điều trị ung thư máu, đặc biệt là bệnh bạch cầu lympho cấp.
Trong khi đó, vinblastin sulfat lại có tác dụng tốt trong điều trị ung thư biểu mô tinh hoàn, hodgkin, ung thư nhau, ung thư biểu mô da đầu và ung thư biểu mô thận, u nguyên bào thần kinh, ung thư vú, ung thư cổ tử cung,… Một đặc tính của vinblastin là chưa phát hiện sự đề kháng chéo với các loại thuốc chống ung thư khác.
Bên cạnh việc sử dụng các alkaloid thiên nhiên chiết xuất từ dừa cạn, các chuyên gia dược học đã nghiên cứu bán tổng hợp một số alkaloid để mở rộng phạm vi và hiệu quả của điều trị ung thư.
Vindesin, navelbin là những sản phẩm phối hợp những tính năng của cả vinblastin và vincristin có nhiều hứa hẹn trong lĩnh vực điều trị u thần kinh đệm mạn tính, u hắc sắc tố, u lympho bào, ung thư biểu mô trực tràng, đại tràng, vú, thực quản.
Tương tự các loại thuốc kháng ung thư khác, các chế phẩm alkaloid của dừa cạn cũng gây một số phản ứng bất lợi như: buồn nôn, nôn, nhức đầu, tiêu chảy, táo bón, tắc ruột, liệt, chán ăn, viêm miệng, rụng tóc, giảm bạch cầu, viêm thần kinh. Sử dụng liều cao và kéo dài có thể gây mù, tử vong. Thuốc có thể gây độc cho thai, nên tránh dùng cho thai phụ và người đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Dừa cạn là cây thuốc quý, nhưng hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thể trạng của người dùng, diễn tiến của bệnh, các thuốc dùng kèm,... Việc tự theo dõi sức khoẻ, khám sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Các chuyên gia y tế sẽ thăm khám và hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp với từng đối tượng cụ thể. Dù “thuốc hay” đến đâu cũng cần phải có “thầy giỏi” và sự hợp tác tích cực của chính bản thân người bệnh để quá trình điều trị đạt được hiệu quả cao nhất.
Một số bài thuốc từ dừa cạn
Tăng huyết áp: lấy 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng và 20g lá dâu, sắc lấy nước, chia uống từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Cách khác, lấy 6g hoa dừa cạn, 10g nụ hoa hoè (hoặc 10g cúc hoa), hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút. Uống thay nước trà mỗi ngày.
Ung thư máu, viêm đại tràng: lấy từ 15 – 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng, sắc, chia từ 2 – 3 lần uống trong ngày.
Mất ngủ: lấy 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng, 12g lá vông nem, 12g hạt muồng sao đen, sắc uống trước khi đi ngủ.
Rong kinh: lấy từ 20 – 30g dừa cạn sao vàng (toàn cây có cả hoa và rễ), sắc lấy nước, uống liên tục từ 3 – 5 ngày.

 
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

7 bài thuốc chế từ lá dâu tằm


7 bài thuốc chế từ lá dâu tằm

Nước hãm lá dâu có khả năng ổn định huyết áp, nhịp tim, đường huyết, làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ ở nhóm người tăng huyết áp.

Một số thực nghiệm lâm sàng cho thấy ăn lá dâu hằng ngày (canh lá dâu, canh hến lá dâu hoặc xào với trứng) hoặc nước hãm lá dâu có khả năng ổn định huyết áp, nhịp tim, đường huyết, làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ ở nhóm người tăng huyết áp và biến chứng ở người tiểu đường.
Một số bài thuốc thường dùng từ lá dâu:
Bài 1
Lá dâu non hoặc bánh tẻ nấu canh hoặc nấu chung với hến, nghêu, cá diếc hoặc hãm nước uống hằng ngày có tác dụng ổn định huyết áp, đường huyết và nhịp tim. Bài thuốc này thích dụng cho các bệnh về phổi, phế quản, âm hư nội nhiệt, tăng huyết áp thể can thận âm hư, cải thiện các triệu trứng hội chứng mãn kinh, mồ hôi trộm…
Bài 2
Lá dâu và mè đen đồng lượng trộn đều (9 lần đồ, 9 lần phơi), thục địa 1kg, liên nhục 200g, tất cả tán nhỏ, trộn với mật ong hoàn viên to bằng hạt ngô, ngày uống 5g, chia làm 2 lần sáng - tối. Giúp da tươi nhuận, mịn màng. Uống lâu dài giúp gân cốt rắn chắc, khí huyết dồi dào, tăng thính lực. Bài thuốc này thích hợp cho những người sạm da, nám má, cơ thể suy nhược, gân cốt suy yếu, thiếu máu, can thận âm hư, ù tai, tăng tuổi thọ…
Bài 3
Lá dâu 100g, lá đậu ván 100g, lá sen tươi 100g. Tất cả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút muối ăn, khuấy đều rồi uống. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải thử, tán phong nhiệt, thích hợp cho những người say nắng, âm hư nội nhiệt, bốc hỏa…
Bài 4
Búp dâu non 1 nắm, giã nhỏ đắp vào chỗ sưng, bên ngoài lấy giấy thấm nước đắp, khi khô lại thay, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, giảm đau, thác sang sinh cơ. Tác dụng trong viêm cơ, viêm tuyến vú, mụn nhọt, trị vết thương lâu ngày, mụn nhọt không liền miệng… Để nâng cao hiệu quả điều trị có thể dùng lá trầu không nấu với nước muối loãng để rửa vết thương, lá dâu vàng, sấy khô, tán bột mịn, rắc lên miệng nhọt, miệng vết thương.
Bài 5
Lá dâu già sao vàng hạ thổ dùng 12-20g, sắc với 100ml còn 50ml, uống ngày 2 lần. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, lương huyết, trị thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam)…
Bài 6
Lấy 10 lá dâu bánh tẻ to, nấu nước uống. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt an thần, thích dụng cho trẻ nhỏ bị sốt cao, co giật hoặc trẻ ngủ không ngon giấc, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm…
Bài 7
Lá dâu 16 - 18g sắc, đợi nước còn nóng ấm rửa búi trĩ, trực tràng… và đẩy lên, lấy băng băng lại, nằm nghỉ. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, làm săn chắc cơ, thích dụng cho các chứng trĩ, sa trực tràng, sa dạ con… 
(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Vỏ quả sầu riêng chữa ho


Vỏ quả sầu riêng chữa ho

Sầu riêng không chỉ là loại quả có nhiều chất bổ mà còn là vị thuốc chữa ho và bệnh ngoài da hiệu quả.

Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g cơm quả sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% protit, 2,7% lipit, 16,2% gluxit, nhiều loại chất khoáng và vitamin. Mùi đặc biệt của múi sầu riêng là do hỗn hợp của các este và thioethe tạo thành.
Cũng vì vậy, về mặt dinh dưỡng sầu riêng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, riêng chỉ có mùi quá mạnh của nó khiến người không quen khó chấp nhận.
Ăn sầu riêng ngon và bổ, tuy nhiên ta không nên ăn quá nhiều. Ảnh:Media
Ăn sầu riêng ngon và bổ, tuy nhiên ta không nên ăn quá nhiều (trên 150g cơm quả một ngày) vì sẽ bị "nóng", gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Ngoài giá trị ăn uống, quả và nhiều bộ phận của cây sầu riêng còn được dùng làm thuốc.
- Theo kinh nghiệm dân gian, rễ và lá sầu riêng được dùng làm thuốc chữa sốt và viêm gan vàng da: Lấy rễ và lá sầu riêng 10 - 20g thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hằng ngày, đồng thời kết hợp lấy lá tươi nấu nước tắm cho những người bị vàng da do gan.
- Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp...
- Hạt sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, các vitamin B1, B2, C... do đó được sử dụng làm thức ăn và thuốc bổ dưỡng dưới dạng luộc, nướng hoặc rang chín, ăn bùi như hạt dẻ, hạt mít. Bột hạt sầu riêng cũng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến các loại kẹo, mứt.
- Vỏ quả sầu riêng cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, thái lát mỏng, phơi khô để dùng.
Theo Đông y vỏ quả sầu riêng có vị đắng, tính ấm, có tác dụng ích khí, tiêu thực, cầm mồ hôi, làm ấm phổi để chữa ho, thường được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Ngày dùng 15 - 20g, thái nhỏ nấu nước uống.  
 
(Theo Khoa học và Đời sống)

Thương nhĩ tử tán: Một bài thuốc quý


Thương nhĩ tử tán: Một bài thuốc quý

hương nhĩ tử tán có công dụng làm thông mũi, chống đau đầu, thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang như chảy nước mũi trong và hắt hơi nhiều, ngạt mũi...



 
Trong điều kiện môi trường ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay, các bệnh lý mũi xoang như viêm mũi dị ứng, viêm mũi và viêm xoang cấp và mạn tính... là rất thường gặp và đang có xu hướng gia tăng.
 
Với những loại thuốc mới có tính an toàn và tính hiệu lực ngày càng cao, y học hiện đại đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc phòng chống các căn bệnh này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong không ít trường hợp, kết quả trị liệu bằng tân dược vẫn chưa làm cho người bệnh và thầy thuốc thực sự hài lòng.
 
Bởi vậy, việc chọn lọc, kế thừa, nghiên cứu và sử dụng các phương thuốc đông y để phòng chống các bệnh mũi xoang là hết sức cần thiết. Một trong những bài thuốc cổ nổi tiếng trong lĩnh vực này là Thương nhĩ tử tán.
Thương nhĩ tử tán, còn gọi là Thương nhĩ tán, khởi thuỷ từ sách thuốc cổ nổi tiếng Tế sinh phương do y gia trứ danh Nghiêm Dụng Hoà, tự Tử lễ, người Giang Tây, Trung Quốc biên soạn. Thành phần của bài thuốc này gồm: Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 2 tiền rưỡi (7g), tân di nửa lạng ta (15g), bạch chỉ 1 lạng (30g), bạc hà nửa tiền (1,5g). Tất cả sấy hoặc phơi khô, tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g. Theo cổ nhân, nếu dùng nước sắc củ hành và lá trà tươi để uống bột thuốc là tốt nhất.
Ké đầu ngựa, tân di, bạch chỉ, bạc hà
Những vị thuốc trong bài thuốc Thương nhĩ tử tán
Thương nhĩ tử tán có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu (làm thông mũi), chỉ đầu thống (chống đau đầu), thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang như Tỵ cừu (chảy nước mũi trong và hắt hơi nhiều, Tỵ tắc (ngạt mũi), Tỵ thế (chảy nước mũi), Tỵ trất (Ngạt mũi), Tỵ uyên (chảy nước mũi tanh hôi kéo dài)..., tương ứng với y học hiện đại là các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp và mạn tính, viêm xoang cấp và mạn tính...
Trong bài thuốc, thương nhĩ tử vị cay đắng, tính ấm, có công dụng thông mũi, trừ phong thấp, chỉ thống (giảm đau); bạch chỉ vị cay, tính ấm, có công dụng giải biểu, trừ phong táo thấp, tiêu thũng bài nùng (chống phù nề và làm hết mủ), chỉ thống; tân di vị cay, tính ấm, có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu; bạc hà vị cay, tính mát, có công dụng sơ tán phong nhiệt, thanh lợi đầu mục, lợi hầu, thấu chẩn.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, thương nhĩ tử có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, ức chế miễn dịch, chống ôxy hoá, hạ huyết áp và đường huyết, hưng phấn hô hấp và chống ung thư; bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giải nhiệt, chống co giật, hạ huyết áp, chống ung thư và cầm máu; tân di có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, giảm phù nề, chống dị ứng, hạ huyết áp, kháng khuẩn, ức chế ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư và làm hưng phấn hô hấp; bạc hà có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, kháng khuẩn, kháng virut, chống viêm, giảm ho, trừ đàm, giảm ngứa, và lợi mật. Điều này giải thích vì sao bốn vị thuốc phối hợp với nhau trong phương thuốc TNTT lại có công dụng trị liệu các bệnh lý viêm nhiễm ở mũi xoang. 
 (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Cây chua me đất chữa bong gân


Cây chua me đất chữa bong gân

Dùng chua me đất hoa vàng 1 nắm to, chưng nóng dùng xoa bóp vào nơi sưng đau.

Chua me đất là cây mọc hoang khắp mọi miền nước ta. Có ba loại là chua me núi hoa trắng vân hồng, chua me hoa hồng và chua me đất hoa vàng. Trong đó, chua me đất hoa vàng thường hay gặp và được dùng làm thuốc.
Là loại cây thảo, mọc bò lan trên mặt đất, thân đỏ nhạt, có ít lông. Lá có cuống dài, gầy, hơi có lông. Hoa mọc thành tán gồm 2 - 3 hoa, có khi 4 hoa màu vàng. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây dùng tươi là chính, ít sử dụng khô.
Chú ý không dùng cho người có sỏi tiết niệu vì chua me đất chứa oxalat, song cũng không dùng liều quá cao vì muối oxalat độc với liều 20 - 30g.
Đông y cho rằng chua me đất hoa vàng có vị chua, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, tán ứ, tiêu thũng, giải độc.
* Chữa sốt cao, khát nước: Chua me đất hoa vàng 1 nắm rửa sạch, giã nát, cho chút nước sôi nguội vắt lấy nước cốt chia 2 lần uống trong ngày.
* Chữa rôm sảy, ngứa ngáy: Lấy chua me vò nát xát vào nơi rôm sảy ngứa ngáy. Ngày 2 - 3 lần.
* Chữa ho do nắng nóng: Chua me tươi 40g, rau má tươi 40g, lá xương sông tươi 20g, cỏ gà tươi 20g, giã nhỏ, thêm chút nước vắt lấy nước cốt, đun sôi và chia 3 lần uống trong ngày.
* Chữa viêm họng sưng đau: Chua me đất tươi 50g, rửa sạch, cho vào 2g muối ăn, nhai và nuốt nước từ từ.
* An thần, chữa mất ngủ: Chua me đất 20g, lá thông đuôi ngựa 6g, cho cả vào nồi đổ ngập nước sắc kỹ, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
* Chữa chứng cao huyết áp: Chua me đất hoa vàng 30g, hạ khô thảo 10g, cúc hoa vàng 15g, sắc cùng ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần uống.
* Chữa viêm gan vàng da (do thấp nhiệt): Chua me đất hoa vàng 30g, sắc lấy nước chia vài lần uống trong ngày. Hoặc dùng chua me đất 30g, thịt lợn nạc 30g, nấu thành canh, ăn cả nước lẫn cái.
* Chữa huyết lâm, nhiệt lâm (tiểu tiện nhỏ giọt, nóng rát niệu đạo, nước tiểu có máu): Chua me đất hoa vàng tươi, rửa sạch giã vắt lấy nước cốt hòa với mật ong, chia 3 lần uống, mỗi lần uống khoảng 50ml hỗn hợp này.
* Chữa kiết lỵ: Chua me đất hoa vàng phơi khô, tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 9 - 12g, chiêu với nước sôi nguội.
* Chữa bí đại tiểu tiện: Chua me đất hoa vàng 20g, rau mã đề 20g, rửa sạch, giã nát cho chút đường vào, vắt lấy nước cốt uống, nếu chưa thông lại làm uống tiếp.
* Chữa ngã bong gân (sưng đau): Dùng chua me đất hoa vàng 1 nắm to, chưng nóng dùng xoa bóp vào nơi sưng đau.
 
(Theo Khoa học và Đời sống)

Lợi ích từ trái sung


Lợi ích từ trái sung

Trái sung có tác dụng phòng ngừa táo bón vì trong sung có nhiều chất xơ.

Sung (vả) là loài cây có lịch sử hàng ngàn năm với phạm vi sinh sống trải rộng khắp nơi trên trái đất. Trái sung không phải là thực phẩm được sử dụng phổ biến nhưng từ lâu sung là một thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc nhờ tác dụng trị bệnh của nó. 
 
Trái sung có tác dụng phòng ngừa táo bón vì trong sung có nhiều chất xơ. Nhờ đó, ăn sung cũng giúp ngừa đau bụng và chứng khó tiêu. Những người từng đau đầu vì muốn giảm cân hãy tìm đến trái sung. Chất xơ trong trái sung giúp bạn giảm cân nếu sử dụng thường xuyên.
Pectin là một loại chất xơ phổ biến trong thành phần trái sung. Chất này có khả năng hấp thụ cholesterol từ hệ tiêu hóa và đưa chúng ra ngoài cơ thể.
Trái sung cũng giàu phenol, a-xit béo omega 3 và omega 6, những vi chất tốt cho hệ tim mạch. Nhiều người tin rằng chất xơ trong trái sung có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết và ung thư vú.
Những người bị tiểu đường nên áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ, vì vậy trái và lá sung là lựa chọn không ngoan. Loại trái cây này giàu kali, vi chất giúp ổn định đường huyết. Chứng tăng huyết áp cũng được ổn định hơn với vi chất có trong trái sung. Tuổi cao sẽ khiến bạn có nguy cơ bị thoái hóa hoàng điểm dẫn đến giảm khả năng nhìn. Chế độ ăn có trái sung sẽ phòng ngừa được chứng bệnh này. 
 
Đau họng cũng có thể được điều trị hiệu quả với trái sung nhờ hàm lượng chất nhầy cao. Trái sung được biết là có tác dụng củng cố hoạt động của gan. Trái này còn có khả năng điều trị một số bệnh về hô hấp như hen, ho gà. Chúng cũng tốt cho việc trị bệnh đau tai, mụn và bệnh đường sinh dục. Bạn có thể thưởng thức những món ăn ngon và lạ miệng với sung như: gỏi trái sung, trái sung non muối chua, dùng lá sung gói cuốn, đọt sung non luộc chấm kho  

(Theo Thanh niên/iloveindia.com)

Tác dụng chữa bệnh của cam thảo dây


Tác dụng chữa bệnh của cam thảo dây

Cam thảo dây có tên khoa học là Abrus precatorius L., họ Đậu – Fabaceae hay tên khác của cam thảo dây là dây Cườm thảo, dây Chi Chi, Tương tư đậu, Tương tư tử.




Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cam thảo dây là loại dây leo, thân quấn, phân nhiều nhánh nhỏ. Lá kép lông chim. Hoa màu hồng, mọc thành chùm nhỏ ở kẽ lá hay đầu cành, cánh hoa hình cánh bướm. Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi.
Bộ phận sử dụng thường là dây, mang lá, rễ. Dây, rễ, lá cam thảo dây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, ...có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu.Hạt có vị đắng, chất độc có tác dụng sát trùng, tiêu viêm. Hạt cam thảo dây chứa chất albumin độc (toxalbumin) khi vào cơ thể sẽ tạo ra một kháng thể sẽ gây giãn hồng cầu dễ dàng, gây hại giác mạc một cách vĩnh viễn. Vì thế, hạt cam thảo dây chỉ được dùng ngoài da để sát trùng, tiêu viêm, mụn nhọt bằng cách nghiền nát hạt để đắp ngoài da, tuyệt đối không được uống. Khi bị ngộ độc hạt cam thảo dây, bạn nên dùng từ 50-60g cam thảo sắc uống hoặc hòa thêm bột đậu xanh nghiền sống, uống nhiều càng tốt.
Đông y thường dùng dây và lá cam thảo dây để điều hòa các vị thuốc khác, dùng trị ho, giải cảm, trị.... Thường sử dụng phối hợp với các vị thuốc khác. Ngoài ra, người ta còn dùng lá cam thảo dây nhai với muối và nuốt nước để trị đánh trống ngực.
Liều dùng Cam thảo dây: Mỗi lần dùng từ 8 – 16g, dưới dạng thuốc sắc, kết hợp với các vị thuốc khác.
Chú ý: Hạt Cam thảo dây có màu đỏ đốm đen, có độc, không dùng làm thuốc.
Bài thuốc

Chữa ho:Lá cam thảo dây 8 – 10g, nước 450ml, sắc còn 150ml, chia 2- 3 lần uống trong ngày.
Loét dạ dày: dùng cao cam thảo 2 phần, nước cất 1 phần hoà tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Không uống liên tục quá 3 tuần lễ.
Huyết áp thấp:Cam thảo 12g, Đương quy 10g, Nhị sâm 8g, tán bột uống mỗi lần 4g, ngày uống 3-4 lần, hay sắc uống lúc nguy cấp.
Mụn nhọt, ngộ độc: dùng cao mềm Cam thảo, ngày uống 1-2 thìa cà phê.
Lưy ý: Người tỳ vị nhiệt, bụng đầy trướng, nôn mửa, người huyết áp thấp, người bệnh đái đường không nên dùng. Không dùng với đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải tảo.

Theo Minh Hải - VnMedia

Bốn bài thuốc từ tỏi trị huyết áp thấp, đau răng, viêm họng


Bốn bài thuốc từ tỏi trị huyết áp thấp, đau răng, viêm họng

Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn, hơi độc, tác động vào hai kinh can và vị, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm.



Do có tính nóng và tác dụng hành khí mạnh, cẩn thận khi dùng tỏi cho người đang có thai, người sắp phẫu thuật.
Viêm họng
Giã nát hai tép tỏi, trộn một phần tỏi và ba phần hành lá, buộc vào huyệt Hợp cốc ở bàn tay, để qua đêm (Úp bàn tay xuống, xoè rộng hai ngón tay trỏ và ngón tay cái, huyệt Hợp cốc nằm trên mặt lưng của bàn tay, ở chỗ lõm giữa hai xương ngón tay cái và ngón tay trỏ).

Đau răng
Giã nát hai tép tỏi trộn với một chút nước ấm. Đợi khoảng 10 phút sau, dùng một que tăm tẩm dịch tỏi thấm đều chung quanh chỗ đau.

Cảm cúm

Giã nát ba tép tỏi, hãm trong 50g nước sôi khoảng nửa giờ. Chắt lấy nước, nhỏ vào mũi mỗi bên khoảng hai hay ba giọt, ngày hai hoặc ba lần.

Huyết áp thấp

Ddùng một con gà khoảng nửa ký, 40g tỏi thái mỏng, nửa chén rượu vang, gia vị vừa đủ. Gà làm sạch, bỏ lông và nội tạng. Hấp cách thuỷ, ăn trong ngày.

Theo TS.DS Lê Thị Hồng Anh - Một thế giới

Trời lạnh: Một cốc trà gừng rất tốt cho sức khỏe


Trời lạnh: Một cốc trà gừng rất tốt cho sức khỏe

Cốc trà gừng cung cấp hàm lượng cao Vitamin C, magiê và các khoáng chất khác rất có lợi cho sức khỏe.



Trà gừng giúp giảm buồn nôn: Uống một tách trà gừng trước khi đi du lịch có thể giúp ngăn chặn buồn nôn do say tàu xe. 

 
Trà gừng cải giúp dạ dày tiêu hóa tốt và tăng hấp thu thức ăn. Sau khi ăn quá nhiều, bạn nên uống cốc trà gừng.


Giảm viêm: Gừng có đặc tính kháng viêm nên ngoài việc uống, bạn cũng có thể sử dụng nó để ngâm khi các khớp bị viêm.

Chống lại các vấn đề về đường hô hấp: Trà gừng có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc cảm lạnh. Hãy uống một ly trà gừng khi xuất hiện những dấu hiệu hắt xì hơi.

Cải thiện lưu thông máu: Các vitamin, khoáng chất và axit amin trong trà gừng có thể giúp phục hồi và cải thiện tuần hoàn máu, giúp giảm nguy cơ của các vấn đề tim mạch. Gừng có thể ngăn chặn chất béo trong các động mạch giúp ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ.

Làm giảm sự khó chịu kinh nguyệt: Thử ngâm một chiếc khăn trong trà gừng ấm áp và áp vào bụng dưới của bạn. Nó có thể giúp giảm đau và thư giãn các cơ bắp. Đồng thời, bạn nên uống một tách trà gừng với mật ong .

Tăng cường khả năng miễn dịch: Trà gừng có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bạn do có hàm lượng cao chất chống oxy hóa trong gừng.

Giảm bớt căng thẳng: Trà gừng giúp giảm stress và căng thẳng của bạn. Điều này được cho là do sự kết hợp của hương thơm mạnh và đặc tính chữa bệnh của nó.


Theo 
Nam Anh - VTC News

Những mẹo hay ít biết từ muối


Những mẹo hay ít biết từ muối

Giảm bọng mắt, khử mùi hôi của giày, giúp sữa tươi lâu hơn hay cà phê bớt đắng... là những công dụng bất ngờ của muối.



Bạn hãy tham khảo những mẹo hữu hiệu, đơn giản dưới đây từ muối, để áp dụng trong cuộc sống gia đình mình, theo Ecosalon.
Chống nến chảy tràn
Bạn ghét thấy nến cháy chảy sáp xuống, gây bẩn đồ mà không thể làm sạch. Hãy ngăn điều này bằng cách ngâm cây nến mới mua vào trong nước muối mặn trong 2-3 giờ.
Làm sạch khi thực phẩm có mùi bị trào
Một chút quế hòa với muối có thể làm cho những phần thực phẩm bị trào trong lò nướng dễ dàng làm sạch hơn và ngăn chúng bốc mùi hôi thối trong nhà. Chỉ cần rắc hỗn hợp lên chỗ đồ trào ra khi lò vẫn nóng. Khi lò nguội, chà bỏ muối và cả hỗn hợp kia dễ dàng.
Kiểm tra độ tươi của trứng
Bạn mua trứng và không biết trứng đã để lâu chưa? Thêm hai thìa muối vào một cốc nước, và đổ vào trứng. Nếu trứng tươi, nó sẽ nổi, nếu trứng để lâu, nó sẽ chìm ngay xuống đáy.
Vệ sinh bọt biển
Miếng bọt biển dùng lâu sẽ trở thành ổ chứa vi trùng. Để phục hồi trạng thái như ban đầu của bọt biển và giết những vi trùng lưu trú trên đó, giặt sạch nó bằng xà phòng, sau đó ngâm vào nước muối đậm đặc, lạnh trong 1-2 giờ.
muoi-1237-1387594896.gif
Muối có nhiều công dụng bất ngờ trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: MT.
Kéo dài tuổi thọ của chổi
Chổi có thể lâu mòn, hỏng hơn nếu bạn dụng mẹo đơn giản này: Ngâm chúng trong nước muối nóng trước khi sử dụng lần đầu.
Làm dịu nốt ong đốt
Lấy bỏ nọc ong nếu còn cắm trên da, ngay lập tức xoa lên đó bằng dung dịch nước muối đậm đặc, để khô và nó sẽ giúp bạn giảm viêm, giảm đau.
Giảm đau họng, nhiệt miệng
Súc miệng bằng nước muối sẽ giúp đỡ đau răng và giảm đau họng. Hòa tan hai muỗng cà phê muối trong 1/4 cốc nước ấm và khò khò trong miệng ít nhất 20 giây. Lúc đầu bạn có thể thấy đau rát hơn nhưng sau đó sẽ tác dụng tốt.
Giữ quần áo khỏi khô cứng
Thêm chút muối vào nước xả khi giặt quần áo sẽ giữ cho quần áo khỏi khô cứng khi phơi. Ngâm quần áo trong nước muối cũng giúp chúng khỏi bị vón lại trong thời tiết lạnh.
Khôi phục hoa giả
Những ai không có thời gian lau sạch từng cánh hoa lụa hay cả bó hoa nylon, có thể áp dụng một cách dễ dàng hơn. Chỉ cần cho những bông hoa vào một túi nylon rộng, có kéo khóa cùng với một cốc muối. Lắc mạnh túi, và muối sẽ đánh bay các bụi bẩn.
Giữ sữa tươi
Sữa bị chua thật tệ, đặc biệt nếu bạn không nhận ra nó đã hỏng cho tới khi lỡ đổ vào để hòa với bột làm bánh hay pha cùng cà phê. Để giữ sữa tươi lâu hơn, hãy thêm một chút muối vào hộp đựng, đóng nắp và lắc nhẹ để hòa tan. 
Làm cà phê bớt đắng
Cà phê pha xong, để lâu có vị đắng. Muốn cải thiện, hãy thêm vào vài hạt muối. Cách này cũng làm cà phê có vị thơm ngon hơn.
Tẩy sạch vết máu, rượu vang và các vết ố mồ hôi
Thấm ướt vết rượu vang rớt trên áo, sau đó đổ muối lên để hấp thu những vết bẩn còn lại. Chiếc khăn bông dính máu có thể sạch lại như cũ bằng cách ngâm trong nước muối lạnh, sau đó giặt bằng nước xà phòng ấm. Để tẩy sạch vết ố mồ hôi trên quần áo, hòa một thìa muối trong một cốc nước nóng và dội lên.
Tránh cho trái cây đã bổ khỏi bị thâm
Ngâm miếng táo, lê hay các loại trái cây khác dễ bị thâm sau khi cắt trong nước muối loãng để giữ được màu tươi ngon. Nếu táo đã héo ngâm trong nước muối cũng sẽ tươi và đẹp lại.
Tránh sương giá đọng trên cửa sổ
Để sương giá khỏi đọng ở cửa sổ hay xe của bạn, nhúng một miếng bọt biển vào nước muối vào lau cả bên trong và bên ngoài cửa kính, sau đó lau khô lại với vải mềm.
Khử mùi giày
Bạn có thể hút ẩm và mùi hôi khỏi giày bằng cách rắc một chút muối vào trong giày, sau đó giũ sạch. Đừng dùng mẹo này với giày da vì sẽ làm khô cứng và xấu giày.
Giảm bọng mắt
Bạn thức quá khuya hay khóc tới sưng mắt, hãy xóa bỏ dấu vết này bằng cách trộn chút muối trong ít nước nóng, lấy cục bông gòn thấm nước này và xoa nhẹ nhàng lên vùng bọng, sưng của mắt. Muối sẽ giúp giữ ẩm và làm căng vùng da này.
Làm sáng da
Massage da với hỗn hợp gồm muối và dầu ôliu bằng chuyển động tròn, để vài phút và rửa sạch. Việc massage sẽ làm tăng sự lưu thông máu cho da, dầu ôliu dưỡng ẩm và muối lấy đi các tế bào chết.
Làm sáng đồ trắng ngả màu vàng
Chiếc áo trắng ngả màu có thể trở lại sáng đẹp mà không cần dùng đến thuốc tẩy. Hãy đun đến sôi đồ bằng cotton hay vải lanh trong một nồi nước lớn với vài thìa muối và thêm chút bột baking soda.

Theo Vương Linh - VnExpress

Những đồ ăn vặt giàu dinh dưỡng cho bà bầu


Những đồ ăn vặt giàu dinh dưỡng cho bà bầu

Khi mang thai, bà bầu nên chọn những loại đồ ăn vặt dưới đây để xoa dịu cơn đói giữa buổi vì nó giàu dinh dưỡng hơn nhiều món khác.





Theo Kiến thức

Ăn xúp gà, cả nhà khỏi cảm


Ăn xúp gà, cả nhà khỏi cảm

Nhiều thầy thuốc tin rằng để điều trị cảm lạnh, xúp gà có vẻ là một ứng cử viên vượt trội so với những loại thuốc trị cảm ho.



Hiện nay, do điều luật quản lý khắt khe của Chính phủ Mỹ về những loại thuốc cảm ho dành cho trẻ em, xúp gà trở thành sự lựa chọn tốt nhất của các bậc phụ huynh để phòng và chữa bệnh này ở trẻ em trong mùa cảm cúm. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng xúp gà có một giá trị y học đáng kể.
Tiếp tục nghiên cứu
Một trong những nghiên cứu về xúp gà đã được báo cáo trong tạp chí y học có uy tín Chest, do BS Stephen Rennard công tác tại ĐH Nebraska - Omaha thực hiện. BS Rennard đã tiến hành một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tìm hiểu tại sao xúp gà có thể dùng phòng và trị bệnh cảm.
Sử dụng những mẫu máu từ những người tình nguyện, BS Rennard đã chứng minh xúp gà ức chế sự di chuyển của bạch cầu trung tính (neutrophils), đây là một dạng phổ biến của bạch cầu có khả năng đề kháng sự lây nhiễm. BS Rennard giả thiết rằng bằng cách ức chế sự di cư của những tế bào kháng vi trùng của cơ thể, xúp gà tỏ ra có tác dụng hữu hiệu trong những bệnh liên quan đến đường hô hấp trên.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh xúp gà có một giá trị y học đáng kểẢnh: HỒNG THÚY
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh xúp gà có một giá trị y học đáng kểẢnh: HỒNG THÚY
Các nhà khoa học chưa xác định được một cách chính xác những thành phần hoạt chất trong xúp gà có khả năng kháng bệnh cảm. Có lẽ là một sự kết hợp giữa rau cải và protein thịt gà cho ra một tác dụng cộng lực. Mẫu xúp được đem làm thí nghiệm bao gồm thịt gà, hành, khoai lang, củ cải, cà rốt, cọng cần tây, ngò tây, muối và tiêu. Các nhà nghiên cứu cũng so sánh với nhiều loại xúp gà được bán khắp nơi và nhận thấy chúng có chức năng ức chế tương tự.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học ở Miami đã giả định rằng cúm gà có giá trị hơn những loại giả dược (placebo). Các nhà khoa học nghiên cứu làm thế nào xúp gà có thể tác động lên đường hô hấp, dịch nhầy trong mũi của những người tình nguyện tham gia thí nghiệm.
Những người này được cho uống nước lạnh, nước nóng  và xúp gà. Một cách tổng quát, những dịch nóng giúp tăng cường sự lưu thông của dịch nhầy mũi. Tuy nhiên, xúp gà đã chứng minh vai trò tốt hơn nước nóng. Nó cũng có thể cải thiện chức năng bảo vệ lông mao ở mũi giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn.
Những nghiên cứu về xúp gà vẫn chưa đến hồi kết thúc, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vẫn còn để ngỏ. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, xúp gà cùng với rau cải có chứa rất nhiều dưỡng chất, giúp tăng cường nước cho cơ thể kèm theo một hương vị tuyệt vời.
Vì sao lại “có giá”?
Trong thịt gà có chứa một loại amino acid tên là cysteine. Chất này có khả năng “giải tán” lớp dịch nhầy trong phổi, giúp phổi đỡ bị “đàn áp” hơn. Trong thời gian bị nhiễm trùng, bị cảm hay cúm, lớp dịch nhầy kể trên biến thành một môi trường ẩm ướt, “màu mỡ” kích thích sự sinh sôi nảy nở của các loại vi khuẩn, virus. Xúp gà nóng đã chứng minh tính hiệu quả nhiều hơn gấp nhiều lần so với nước ấm trong việc tống các chất nhầy ra khỏi mũi.
Một thành phần khác không thể thiếu trong xúp gà là cà rốt, loại củ rất giàu beta-carotene. Khi vào cơ thể, chất beta- carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A vốn giúp cơ thể phòng chống sự nhiễm trùng bằng cách “nâng cấp” sự hoạt động của các tế bào bạch cầu, nhờ đó giúp cơ thể săn lùng và tiêu diệt các loại vi khuẩn và virus “xâm nhập trái phép” cơ thể.
Ngoài ra, còn phải kể đến gừng, tỏi và hành có trong xúp gà. Đây là những gia vị có chức năng tăng cường miễn dịch. Hành có chứa quercetin. Đây là một chất kháng histamine và kháng viêm tự nhiên. Chất allicin có trong tỏi lại có tác động như một chất kháng sinh (antibiotic) tự nhiên. Gừng có chứa 2 chất vô cùng sáng giá là terpenes và oleoresin. Đây là 2 chất có tính sát trùng, tăng tuần hoàn...
Nhớ là không cần đợi đến khi “long thể bất an” rồi bạn mới cần đến xúp gà. “Lai rai” xúp gà trong những ngày đông lành lạnh cũng giúp bạn ngăn ngừa những cơn cảm lạnh.

Theo Người lao động