Xử trí khi ngộ độc rượu


Xử trí khi ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu ngày càng có xu hướng gia tăng và khi ngộ độc rượu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng hôn mê sâu, thậm chí tử vong.



Những triệu chứng ngộ độc rượu
Ở nước ta tồn tại nhiều loại rượu (tự nấu, tự pha chế và rượu nhập ngoại), trong đó loại tự nấu, nhất là loại rượu tự pha chế có sử dụng chất methanol thì cực kỳ độc hại. Bởi vì methanol (tức cồn công nghiệp) là loại không được phép sử dụng để uống, chỉ sử dụng trong công nghiệp. 
Trong rượu bình thường hay còn gọi là rượu bia thực phẩm là loại có chứa chất cồn ethanol. Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây ngộ độc rượu nếu dùng quá mức cho phép. Ethanol có khả năng ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh.
 Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TM
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TM
Ngộ độc rượu loại ethanol thường có cấp tính và mạn tính. Ngộ độc cấp tính trong giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Sau đó là giai đoạn ức chế biểu hiện giảm phản xạ gân xương, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, có nguy cơ giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp và có thể tử vong, nếu không cấp cứu kịp thời.
Ngộ độc mạn tính bởi uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy (do tổn thương gan và ruột), da xanh tái (do thiếu máu), tổn thương gan (thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan), mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần. Nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là uống rượu tự pha chế có chứa methanol (cồn công nghiệp). 
Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành foc-man-đê- hít (formaldehyt), sau đó thành axít fócmic (formic acid). Chính những chất này gây độc cho gan, thận (gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc), đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Triệu chứng đầu tiên là chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ, bao gồm đau đầu, nhìn mờ, nhìn có màu trắng, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng sẽ gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Xử trí sơ bộ tại gia đình thế nào?
Để tránh nguy hiểm khi ngộ độc rượu thì tìm mọi cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Cần nới lỏng áo, quần (cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng) và để nạn nhân nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Không dùng chất chống nôn (vì sẽ giữ chất độc) và không cho uống paracetamol (vì làm hại gan). 
Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, hôn mê (cần theo dõi sát sao vì dễ nhầm với ngủ say) và bị ngã có chảy máu tai, quầng mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu càng nhanh càng tốt. Để phòng ngộ độc rượu, trước hết không uống rượu tự pha chế, nhất là loại có cồn công nghiệp (methanol). Tuyệt đối không uống rượu khi đói (trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói). Nên chọn loại rượu có thương hiệu, có nhãn mác, có nơi xuất xứ rõ ràng và phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Không uống rượu bán dạo vì khó xác định nguồn gốc của rượu. Những ngày vui cũng chỉ nên uống ít một, không nên uống quá mức (khoảng 30ml).

                                                                   Theo BS. Việt Bắc - Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét