Bệnh lỵ dùng rau sam
Rau sam vị chua, tính hàn, không độc, vào đại tràng, can, thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán huyết, tiêu thũng.
Rau sam tên khác: Mã xỉ hiện, phjăc bỉa, slổm ca. Tên khoa học: Portulaca oleracea L.
Theo Đông y: Rau sam vị chua, tính hàn, không độc, vào đại tràng, can, thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán huyết, tiêu thũng. Dùng cho hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (đái giắt, đái buốt, đái ra huyết và cặn sỏi), mụn nhọt lở ngứa.
Liều dùng: 60 - 200g tươi (hoặc 15 - 40g khô).
Rau sam dùng để chữa một số bệnh sau:
Chữa lỵ:
- Rau sam 100g, cỏ sữa nhỏ lá 100g. Sắc với 400ml nước, chia uống 2 lần trong ngày. Nếu đi ngoài ra máu, thêm cỏ nhọ nồi 20g, rau má 20g.
- Rau sam 10g, cỏ nhọ nồi 10g, cỏ sữa 10g, lá nhót 10g, búp ổi 10g, làm thuốc bột hay làm hoàn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 15g.
- Rau sam 20g, cỏ sữa nhỏ lá 15g, cam thảo đất 12g, tử tô 12g, mần trầu 12g, kinh giới 12g. Dùng dạng thuốc bột hay thuốc hoàn, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 20g; nếu bệnh cấp tính có thể sắc uống.
Chữa giun kim: Rau sam tươi 50g, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ. Uống liền trong 3 ngày.
Một số món ăn chữa bệnh có rau sam:
- Cháo rau sam: Rau sam tươi 100 - 200g, gạo tẻ 100g; cho thêm nước nấu cháo ăn khi đói. Dùng cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp mạn tính và các trường hợp viêm ruột, lỵ xuất huyết.
- Nước ép rau sam: Rau sam 1 bó. Giã vắt ép lấy nước khoảng 30ml, thêm nước lạnh (nước sôi để nguội) 100ml và đường trắng khuấy đều cho uống, ngày làm 3 lần. Dùng cho các trường hợp viêm sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, lở ngứa.
- Nước ép rau sam hoà mật: Nước ép rau sam 60 - 100ml đun vừa sôi, thêm 20ml mật khuấy đều cho uống. Dùng cho sản phụ sau đẻ đau quặn bụng, tiểu giắt buốt.
- Rau sam xào: Rau sam 250g, chiên với dầu thực vật, thêm chút muối ăn. Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng lỵ.
Kiêng kỵ: Người hư hàn tiết tả (tiêu chảy) không dùng.
Theo BS. Phương Thảo - Sức khỏe và đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét