Eau ngót là một trong những thực vật hiếm có chứa vitamin K. Theo American of clinical nutrition ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già.
Rau ngót, trong dân gian gọi theo nhiều tên bồ ngót, bù ngót, và bồ ngọt, bồng ngọt (vì nó ngọt). Tên Hán là hắc hiện thần (có sách ghi hiệu nghiệm như thần) sách Bản thảo gọi rau ngót là đông phong thái. Vì khi gió đông về rau này đâm chồi nảy lộc. Tên khoa học Sauropus androgynus. (L) Meer. Để làm thuốc dùng cây từ 2 năm tuổi trở lên.
Theo Đông y, rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.
Rau ngót bổ dưỡng cho người tiểu đường
Rau ngót là thang thuốc “công bổ kiêm thi” (vừa công vừa bổ) “vừa phù chính vừa khu tà” (nâng đỡ chính khí, trừ tà khí) vừa tăng sức đề kháng của cơ thể, vừa chống lại nguyên nhân bệnh từ bên ngoài xâm hại cơ thể.
Rau ngót dùng chữa các chứng bệnh sau:
Trẻ sơ sinh tưa lưỡi, lưỡi trắng rộp, bỏ bú: Nước ép rau ngót tươi bôi lên lưỡi tổn thương. Có thể hòa mật ong.
Sót rau sau đẻ, nạo hút thai: cho sản phụ uống 1 bát nước rau ngót tươi
Bồi dưỡng sau đẻ: Rau ngót nấu canh với thịt lợn nạc hoặc giò sống. Có nơi hay nấu canh rau ngót với trứng tôm, trứng cáy, cá rô, cá quả... nhưng với thịt lợn nạc thì yên tâm hơn đối với sức khỏe của sản phụ đang cho con bú.
Canh giải nhiệt mùa hè: Rau ngót nấu canh với hến, mát và ngọt đậm đà. Phối hợp này lạnh nên cho thêm lát gừng hoặc nên kiêng với người hư hàn.
Chữa cốt thống (nhức trong xương, không phải sưng đau khớp): nấu rau ngót với xương lợn (không dùng xương sườn lợn theo ý người xưa có lẽ phải có ống tủy...).
Trẻ bị âm hư ra mồ hôi trộm, người luôn nóng: Rau ngót 30g, rau bầu đất 30g, nấu với bầu dục lợn.
Bàn chân sưng nhức: Lá rau ngót giã với nước muối đắp.
Ống chân (cẳng chân) bị lở dai dẳng: Rau ngót 2 phần, vôi đá 1 phần giã nhuyễn đắp ngày 1 lần.
Chảy máu cam: Giã rau ngót thêm nước, ít đường để uống, bã gói vào vải đặt lên mũi.
Giải độc rượu, rượu có thuốc trừ sâu, rượu ngâm mã tiền, dị ứng cá biển: Uống nước rau ngót sống.
Theo một số nghiên cứu về thành phần hóa học của rau ngót cho thấy:
Trong 100g rau có 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 23.300UI betacaroten, 85mg sinh tố C, 0,033mg B1, 0,88mg B2. Qua đây thấy rau ngót (so với các rau lá khác) nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền sinh tố A.
Rau ngót cũng khá nhiều magiê, đồng, kali, sinh tố C và PP. Về axit amin thì trong 100g rau ngót có 0,34 threonin, 0,25g phenylalanin, 0,24g leucin, 0,23g isoleucin, 0,16g lysin, 0,13g methionin, 0,05g tryptophan.
Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Rau ngót được khuyên dùng cho người giảm cân và người bị bệnh đường huyết cao.
Ngoài ra, rau ngót là một trong giới thực vật hiếm có chứa vitamin K. Theo American of clinical nutrition 1/1999 và tài liệu của Trường đại học Berkeley 7/1999 cho biết ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già, do nó bảo vệ cấu trúc khung sụn chống lại sự bào mòn...
Từ năm 1973 Pareira và Ifafar phát hiện trong rau ngót nhiều papaverin là chất từ trước chỉ tìm thấy trong cây thuốc phiện. Trong điều trị dùng papaverin để giãn cơ trơn của mạch máu làm giảm cơn đau phủ tạng, hạ huyết áp và gây cương cứng dương vật.
Cứ 100g rau ngót có 580mg papaverin cho nên nếu ăn quá nhiều rau ngót trong một bữa cơm thì về lý thuyết có thể gặp các phản ứng phụ do papaverin gây ra (buồn ngủ, chóng mặt, táo bón...).
Theo Sức khỏe và đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét