Trị chứng mất ngủ bằng đông y



Khi bị mất ngủ, người ta thường hay nghĩ đến thuốc ngủ, nhưng việc lạm dụng thuốc ngủ sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại. Vậy phải làm thế nào để ngủ ngon mà không cần thuốc ngủ?



Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các biện pháp không dùng thuốc
Trước khi ngủ nửa giờ, tránh căng thẳng như xem phim trinh thám hay hấp dẫn, hồi hộp, hoặc xem sách lôi cuốn gây cảm xúc mạnh. Có thể nghe nhạc nhẹ trong hoàn cảnh tĩnh mịch, tập hít thở không khí trong lành. Tập đi  bộ thong thả trong 20 - 30 phút vào lúc chiều tối.
Tắm nước ấm để tạo sự thư giãn khi đi ngủ: Trước khi lên giường ngủ ngâm chân bằng nước ấm, lau sạch chân và xoa nóng bàn chân, về mùa đông càng cần phải xoa   nóng gan bàn chân.
Sau bữa ăn tối không nên dùng những chất kích thích như chè, cà phê, rượu, thuốc lá... Bữa tối không nên ăn quá no, kiêng dùng những gia vị có tính nóng như ớt, hạt tiêu...
Nên dùng một cốc sữa nóng hoặc ít bánh ngọt để cung cấp thêm hydrat cacbon, khỏi bị hạ đường huyết ban đêm gây rối loạn giấc ngủ. Chọn ăn những thực phẩm có lợi cho thần kinh như cá, hàu, cua, gan thận lợn, hạnh đào, lạc, táo nhân, đậu, sữa...
Bữa chiều nên ăn nhẹ, không nên ăn nhiều chất  kích thích, dầu mỡ hoặc những chất khó tiêu. Nên chọn những thức ăn có lợi cho giấc ngủ như ngũ cốc (xôi, cơm, bánh mì, khoai...), bí bầu, rau lang, mồng tơi, rau ngót, rau muống, xà lách... Bữa ăn nhiều ngũ cốc sẽ giúp cơ thể hấp thu tryptophan, một amino axit giúp dễ ngủ. Ngược lại ăn nhiều thịt sẽ gây hưng phấn khó ngủ do tác dụng của tyrosin trong thịt.
Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát, hạn chế ánh sáng, tiếng ồn. Không đặt quá nhiều vật dụng điện (tivi, đài, video...) để tránh từ trường phát ra từ những vật dụng trên gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Gạt bỏ những suy tư, loại trừ căng thẳng, giữ cho tâm tính bình ổn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số phương pháp khác
Rửa chân bằng nước thuốc
Từ thạch 50g, hoa cúc 10g, hoàng linh 10g, dạ dao đằng 30g, đun lấy nước ngâm rửa chân trước khi đi ngủ (ngâm rửa chân trong 20 phút).
Gãi da đầu
Trước khi đi ngủ có thể dùng lược gỗ cùn, chải từ trán lên đỉnh rồi ra sau, từ đỉnh đầu chải nhẹ nhàng sang hai bên, chải đi chải lại chừng 15 phút. Khi chải phải tĩnh tâm để thể nghiệm cái  thú của nó. Tay chải cần phải nhẹ nhàng (lúc nhẹ lúc mạnh).
Phương pháp bôi dầu phong
Khi trong lòng khó chịu, váng đầu không ngủ được, dùng dầu thanh phong bôi vào hai huyệt thái dương (chỗ lõm phía dưới ngoài đuôi lông mày một tấc) và huyệt phong trì (phía sau mỏm chũm, bờ ngoài cơ gáy, ngang với dái tai).
Phương pháp ấn huyệt
Ấn 3 huyệt: huyệt dũng tuyền (co các ngón chân lại, huyệt ở chỗ  lõm ở gan bàn chân), huyệt thái khê (ở phía sau mắt cá trong, bờ trên xương gót chân, điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong với mép trong gân gót ngang với đỉnh mắt cá trong), và huyệt nội quan (mặt trong cẳng tay, giữa lằn chỉ cổ tay lên hai tấc, trong khe giữa hai cơ gan tay lớn và gan tay bé).
Dùng đầu ngón tay ấn mỗi huyệt 3 - 5 phút, nếu kết hợp ngâm chân nước nóng rồi mới bấm huyệt thì càng tốt.
Món ăn bài thuốc trị mất ngủ
Đông y gọi mất ngủ là “bất mị”, có liên quan đến sự mất cân bằng của tâm, can, tỳ, thận và âm huyết không đầy đủ. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: như lao tâm quá đáng làm tâm huyết bị hao tổn, tâm không giữ được khiến cho tâm thận bất giao. Tinh thần uất kết, can đởm hỏa vượng. Tỳ vị bất hòa, đình thực tích đờm. Người già yếu mất ngủ. Sau đây là một số thức ăn giúp dễ ngủ:
Củ sen: Là phần rễ cây sen cắm sâu xuống bùn, có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ tỳ, cố tinh. Thường nấu canh ăn để trị mất ngủ, suy nhược.
Hạt sen: Có tác dụng vào các kinh tâm, tỳ, thận. Nó là thuốc bổ tỳ, cố tinh, an thần, dưỡng tâm, thường dùng để trị mất ngủ, suy nhược thần kinh. Người ta thường nấu chè hạt sen hoặc cho vào các món ăn như nhồi vào bụng chim bồ câu non, món vịt tiềm... Có thể dùng hạt sen cả tâm (bóc vỏ) 30g, long nhãn 5g nấu ăn điểm tâm hoặc nấu cháo ăn.
Rau rút (rau nhút) non, lá vông non, khoai sọ, củ súng, củ sen, tôm hoặc thịt nạc.
Cách chế biến: Củ sen, củ súng ngâm nước cho hết chát, bớt nhựa, xắt lát mỏng. Khoai sọ gọt vỏ thái miếng. Rau rút nhặt và rửa sạch. Cho củ vào nồi nấu nhừ, thêm tôm hoặc thịt vào, nêm gia vị cho vừa. Cuối cùng cho rau rút và lá vông non vào cho  hơi tái thì nhắc ra ăn.
Rau rút có vị ngọt nhạt, tính hàn, không độc, trơn hoạt, có tác dụng bổ trung ích khí, làm dễ ngủ, mát dạ dày, mạnh bổ gân xương. Còn lá vông có vị đắng  nhạt, hơi chát, tính bình, có tác dụng an thần, thông huyết, tiêu độc, sát khuẩn. Khoai sọ có tính cay, bình, không độc, ăn khoai này thấy thư thái trong lòng, tinh thần thư giãn nên dễ ngủ. Các vị của món ăn này phối hợp có tính bổ dưỡng an thần.
Củ súng có vị ngọt nhạt, tính bình, tác dụng vào các kinh tâm, tỳ, thận, có tác dụng dưỡng tâm, bổ tỳ, ích thận, cố tinh dùng để trị mất ngủ, suy nhược, người ta thường nấu canh củ súng.
Nhãn có vị ngọt chua, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, bổ tâm tỳ nên dùng để trị mất ngủ, suy nhược thần kinh, trí nhớ kém.
Táo có vị ngọt, tính ôn, tác dụng vào hai kinh tỳ, vị, có tác dụng bổ tỳ, vị, sinh tân dịch, ích khí, an thần, điều hòa doanh vệ, hòa giải các vị thuốc khác.
Táo đỏ 30g (rạch xé ra), hoài tiểu mạch 60g, cam thảo 10g, sắc uống làm hai lần, ngày một chén.
Tim lợn một quả, táo đỏ 10 quả, cho thêm gia vị nấu ăn.
Lòng đỏ trứng gà: 2 quả, xuyên liên 6g, hoàng linh 10g, bạch thược 12g, sinh địa 30g, các vị trên sắc riêng, rồi cho lòng đỏ trứng  gà vào, ngày một chén chia làm hai lần uống.

Theo Sức khỏe và đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét