Gạo nếp - Chớ dửng dưng!


Gạo nếp - Chớ dửng dưng!

Trong y học cổ truyền phương Đông, gạo nếp còn được cổ nhân sử dụng như một vị thuốc độc đáo, điều mà ngày nay không phải ai cũng tường tận.

 
Không biết đích xác từ bao giờ, gạo nếp đã trở thành một trong những “người bạn lương thực” gần gũi và thân thiết của người Việt nam chúng ta. Nhưng với sự tích “bánh trưng, bánh dày”, chắc hẳn loại ngũ cốc đặc biệt này đã có mặt trong bữa ăn người Việt từ vài nghìn năm về trước.
 
Xưa kia, khi đời sống còn vất vả và thiếu thốn, gạo nếp thường chỉ được dùng trong những dịp Lễ ,Tết, còn nay, với mức sống ngày càng được cải thiện và hàng hóa ngày càng trở nên phong phú trong xu thế mở rộng giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế, gạo nếp và các món ăn được chế biến từ nó đã trở nên thông dụng hơn và không còn qúy hiếm như trước nữa. 

Tuy vậy, cũng như các loại ngũ cốc khác, gạo nếp hẳn vẫn sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc không chỉ vì giá trị dinh dưỡng đặc sắc của nó mà còn vì những giá trị văn hóa tinh thần sâu thẳm chứa đựng trong những món ăn mà nó đem lại.
 
Gạo nếp có nhiều tên gọi như nhu mễ, giang mễ, tửu mễ, nguyên mễ, đạo mễ… Theo y học cổ truyền, gạo nếp vị ngọt, tính ấm; vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế; có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn; thường được dùng để chữa các chứng hư lao (suy nhược cơ thể), tiết tả (đi lỏng) do tỳ vị hư nhược, vị quản thống (viêm loét dạ dày, tá tràng), tự hãn, đạo hãn và đa hãn (rối loạn bài tiết mồ hôi), tiêu khát (đái đường), huyễn vựng (rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não) do huyết hư, ác trở (lợm giọng nôn mửa) ở phụ nữ có thai… 
 
Các y thư cổ như Danh y biệt lục, Thiên kim yếu phương, Nhật dụng bản thảo, Bản thảo thập di, Bản thảo phùng nguyên, Bản thảo cương mục, Tuỳ tức cư ẩm thực phổ, Hồng nghĩa giác tư y thư, Hải Thượng y tôn tâm lĩnh… đều có đề cập đến giá trị dinh dưỡng và công dụng trị liệu của gạo nếp ở các mức độ khác nhau. 
 
Ví như, trong sách Ydược lục thư dược tính tổng nghĩa, y gia trứ danh Tôn Tư Mạo đã viết: “ Tỳ bệnh nghi thực, ích khí chỉ tả”( gạo nếp có khả năng ích khí, cầm đi lỏng, thích hợp cho bệnh lý tỳ vị) ; y gia Trương Lộ trong sách Bản thảo phùng nguyên cũng viết: “ Nhu mễ, ích khí bổ tỳ phế, đãn ma phấn tác hi mi, thứ bất niêm trệ, thả lợi tiểu tiện”( gạo nếp có tác dụng ích khí, bổ tỳ và phế, nếu xay thành bột nấu cháo loãng còn lợi tiểu tiện); nhà dược học vĩ đại Lý Thời Trân trong sách Bản thảo cương mục cho rằng: gạo nếp có công dụng “ noãn tỳ vị, chỉ hư hàn tiết lỵ, súc tiểu tiện, thu tự hãn’’(làm ấm tỳ vị, cầm tả lỵ do hư hàn, lợi tiểu tiện, cầm mồ hôi).

Ảnh minh họa
 
Trên thực tiễn chữa trị bệnh tật, kinh nghiệm sử dụng gạo nếp của cổ nhân rất phong phú, có thể dẫn ra một số ví dụ điển hình như sau:
* Gạo nếp 100g, vỏ tiểu mạch 100g, hai thứ sao vàng tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g. Công dụng: cố biểu chỉ hãn, dùng cho các trường hợp hay đổ mồ hôi vô cớ, cơ thể mệt mỏi kéo dài, y học cổ truyền gọi là chứng tự hãn do khí hư. Phương thuốc này được ghi trong sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân. Nếu không có gạo nếp, người xưa còn dùng rễ cây lúa nếp để thay thế, sắc uống thay trà mỗi ngày 250g.
* Nếu mắc chứng vị âm hư gây ra tình trạng miệng khát muốn uống nhiều nước, ăn kém, hay nôn và buồn nôn, có thể dùng 30g gạo nếp tán bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, chế thêm 30g mật ong, chia ăn vài lần trong ngày. Phương thuốc này còn có tác dụng lợi đởm chỉ thống, khu trùng, thường dùng cho các trường hợp cơn đau quặn gan do giun chui lên đường mật.
* Gạo nếp 200g, bột đại hồi 50g, hai thứ trộn đều, sao thật nóng, bọc trong túi vải đem chườm vào vị trí tổn thương. Công dụng: tán hàn chỉ thống, dùng để chữa chứng đau lưng, đau khớp. Phương thuốc này được ghi lại trong sách Nhiếp sinh chúng diệu phương.
* Gạo nếp 100g, nụ hoa hòe 200g, hai thứ sao vàng tán bột, mỗi sáng sớm uống 10g với nước sôi khi chưa điểm tâm. Công dụng: nhuyễn kiên tán kết, tiêu anh, dùng cho những trường hợp bị lao hạch ở cổ.
* Cơm nếp đốt thành than, trộn đều với bột hoàng liên và dầu vừng, bôi vào vùng tổn thương. Công dụng: giải độc trừ sang, dùng cho trẻ em đầu bị chốc lở. Nếu không có hoàng liên có thể dùng khinh phấn thay thế. Phương thuốc này được chép trong sách Phổ tế phương.
* Gạo nếp 500g, đồ chín; 50g biển đậu, 50g hạt sen và 50g ý dĩ ngâm nước nóng trong 4 giờ; 50g long nhãn, 25g đường thanh mai, 20 quả táo đỏ. Tất cả cho vào bát to, chế thêm một chút mỡ lợn rồi đem hấp chín, khi ăn đổ úp ra đĩa, có thể tưới thêm ít nước đường trắng, ăn nóng. Công dụng: kiện tỳ dưỡng vị, ích âm bổ thận. Theo kinh nghiệm của cổ nhân, người già ốm yếu, ăn ít, bị bệnh đái đường, đại tiện lỏng hoặc phù thũng nên trọng dụng món ăn này.
Ngoài ra, dân gian còn dùng cơm nếp nóng để chườm làm thông tắc tia sữa cho sản phụ, cơm nếp nguội giã nhuyễn trộn với bột thuốc để bó gãy xương và bong gân, uống trà gạo nếp rang để chữa chứng phiền khát, ủ men chế cơm rượu hoặc cất rượu nếp cái hoa vàng để ngâm rượu trứng và rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe. 
 
Tuy nhiên, vì trong gạo nếp có chứa nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp nhưng lại rất khó tiêu, cho nên trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược không nên ăn nhiều đồ nếp, đúng như sách Bản thảo cương mục đã khuyên: “Nhu mễ tính niêm trệ nan hóa, tiểu nhi, bệnh nhi, tối nghi kị chi”. Nếu muốn ăn thì tốt nhất nên nấu thành cháo. Mặt khác, vì gạo nếp lại kèm thêm tính ôn ấm nên những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng… cũng không nên dùng đồ nếp.
 
Theo quan niệm của y học cổ truyền, trong nhân thể có ba thứ quý báu nhất là Tinh, Khí và Thần, gọi chung là “ tam đại bảo”. Tinh sinh khí, khí sinh thần, tinh có đầy đủ, sung túc thì mới có thể hoá khí, khí có vượng thịnh thì thần mới sáng sủa và đầy đủ, từ đó âm dương mới cân bằng, tạng phủ mới điều đạt, cơ thể theo đó mà khoẻ mạnh. 
 
Tinh được tạo nên từ hai nguồn: tiên thiên và hậu thiên, tinh tiên thiên bẩm thụ từ cha mẹ (có thể hiểu là yếu tố di truyền), tinh hậu thiên lấy từ khí trời và khí đất, khí trời là dưỡng khí vô hình, khí đất là vật thể hiện hữu, trong đó có các loại rau cỏ và ngũ cốc.
 
Sách thuốc xưa có câu: “ Tinh sinh bởi 5 loại lúa”, trong Hán ngữ, chữ Tinh và chữ Khí đều có bộ Mễ cả, đủ thấy cổ nhân coi thóc gạo cần thiết cho con người biết nhường nào! Bởi thế, đôi điều tản mạn về công dụng chữa bệnh của gạo nếp ở trên âu cũng là chuyện dễ hiểu, chỉ tiếc rằng thời nay, phương ngôn: “Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết” xem ra đã trở thành một câu chuyện quá thật.  

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét