Giải khát, chữa bệnh với bí đao


Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn, đông qua, bạch qua, chẩm qua… là một loại quả làm rau và chế biến mứt rất thông dụng.


Trong thành phần của nó tuyệt đại bộ phận là nước, hàm lượng dinh dưỡng tương đối thấp và không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19mg canxi, 12mg photpho, 0,3mg sắt và nhiều loại vitamin như: caroten, B1, B2, B3, C…
 
Tính vị trong Đông y
 
Theo Y học cổ truyền, bí đao vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt hóa đàm (giải nhiệt và làm tan đờm), trừ phiền chỉ khát (làm mát ruột và hết khát), lợi niệu tiêu thũng (lợi tiểu, làm hết phù), giải độc và giảm béo. 
 
Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: đàm nhiệt suyễn khái (bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt), nhiệt bệnh phiền khát, tiêu khát (đái tháo đường), thủy thũng (phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai...), tiểu tiện bất lợi, tả lỵ do nhiệt, mụn nhọt, béo phì... Bởi vậy, trong điều kiện nóng bức của mùa hè, việc dùng bí đao thường xuyên có một ý nghĩa giải khát và phòng chống bệnh tật rất tốt. 
 
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng natri trong bí đao rất thấp nên có tác dụng trị liệu rất tốt đối với chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, huyết áp cao, viêm thận, phù nề... 
 
Hạt bí đao chứa uroenzyme, calabasinin... có tác dụng thanh phế nhiệt, loại mủ, tiêu đờm, lợi thấp, rất thích hợp cho việc trị liệu các bệnh lý đường hô hấp. Tuy nhiên, ngoài cách dùng làm rau ăn, phương thức chế biến bí đao thành các loại nước giải khát còn ít người biết đến.

Một số phương thức chế biến bí đao

Cách 1: bí đao 500g gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch rồi thái miếng, cho vào máy ép lấy nước, hòa thêm một chút muối, chia uống vài lần trong ngày. 

Công dụng: ích tỳ, giải nhiệt tiêu độc, lợi niệu trừ phù. Dùng làm nước giải khát về mùa hè rất tốt, có ý nghĩa phòng chống cảm nắng, cảm nóng, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sẩy...

Cách 2: bí đao 500g, dưa hấu 500g, đường trắng vừa đủ. Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch; dưa hấu lấy ruột, bỏ hạt; hai thứ thái miếng, dùng máy ép lấy nước rồi chế thêm một chút đường trắng, chia uống nhiều lần trong ngày. 

Công dụng: thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi niệu tiêu thũng. Dùng để giải nhiệt, phòng chống say nắng, say nóng...

Cách 3: bí đao 100g, bình quả (loại táo quả to nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Đông Âu) 800g, cà rốt 200g, đường phèn 100g, trần bì 20g. Bí đao gọt vỏ bỏ ruột, thái miếng; bình quả rửa sạch, bỏ ruột, thái miếng; cà rốt cạo vỏ, thái miếng; trần bì ngâm nước cho mềm rồi thái chỉ. Tất cả cho vào nồi, đổ vừa nước, nấu trong 30 phút, chế thêm đường phèn, dùng làm nước giải khát. 

Công dụng: thanh nhiệt hóa đàm, trừ phiền chỉ khát, lợi niệu tiêu thũng, trợ tiêu hóa, ích tỳ chỉ tả. 

Cách 4: vỏ bí đao 100g, tàm đậu (đậu răng ngựa) 100g, nước 2 lít. Tất cả cho vào nồi nấu trong 2 giờ rồi bỏ bã lấy nước uống trong ngày. 

Công dụng: kiện tỳ trừ thấp, lợi thủy tiêu thũng. Thường được dùng làm thực phẩm cho những ngưòi tỳ vị hư yếu, ăn chậm tiêu, phù thũng, tiểu tiện bất lợi, nôn ra máu, phụ nữ có thai không đau bụng mà thỉnh thoảng ra máu (thai lậu).

Cách 5: bí đao 200g, lá sen 1 cái, nước 1 lít. Bí đao rửa sạch, thái miếng ; lá sen thái vụn. Hai thứ cho vào nồi nấu trong 1 giờ, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát. 

Công dụng: thanh nhiệt, giải thử trừ phiền, lợi thủy tiêu thũng, sinh tân chỉ khát. Dùng rất tốt cho những người bị mụn nhọt, viêm loét miệng lưỡi, béo phì, rối loạn lipid máu...

Cách 6: bí đao 200g, xa tiền tử 10g, nước 1 lít. Bí đao rửa sạch, thái miếng cho vào nồi nấu cùng xa tiền tử trong 60 phút rồi bỏ bã, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát trong ngày. 

Công dụng: thanh nhiệt lợi tiểu. Hai thứ phối hợp với nhau tạo nên một loại nước giải khát có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu rất tốt.

Cách 7: bí đao 500g, xích tiểu đậu 100g, nước 1 lít. Bí đao rửa sạch, thái miếng, đem nấu với xích tiểu đậu trong 60 phút, chế thêm một chút muối hoặc đường, dùng làm nước giải khát hàng ngày. 

Công dụng: lợi tiểu tiêu thũng. Thường dùng để làm thực phẩm cho những người bị phù thũng, cước khí, sản phụ thiếu sữa, hoàng đản (vàng da), tiểu tiện bất lợi, trĩ, viêm ruột đi lỏng...

 
(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét