Món ăn giảm đau nhức mùa lạnh

Món ăn giảm đau nhức mùa lạnh

Người lớn tuổi như… chiếc máy dự báo thời tiết, chỉ cần trời trở lạnh là xương cốt nhức mỏi. Nếu biết dùng thảo dược trong những bài thuốc, sẽ giúp phòng tránh triệu chứng đau dai dẳng...



BS Hà Thị Hồng Linh - BV Y học Cổ truyền TP.HCM hướng dẫn: “Đông y cho rằng thức ăn ấm nóng sẽ đuổi hàn tà, giúp xương khớp bớt đau nhức. Vì vậy, nên dùng các loại rau, củ có tính ấm nóng (sả, tía tô, tỏi nghệ…); cây có chứa tinh dầu (bạc hà, hành, húng quế, gừng, riềng, ớt…). Ngoài ra, việc dùng thêm các gia vị như vỏ cam, vỏ quýt, cà ri, đinh hương, tiêu, hồi, quế cũng giúp cơ thể không bị nhiễm lạnh, tránh đau nhức”.
Các món có sả, ớt gồm: cá hường chiên sả ớt, tàu hủ chiên sả ớt, lươn xào sả ớt, gà kho sả… Tuy nhiên, nếu bị tăng mỡ máu, nên thay thế món chiên bằng món nướng, chẳng hạn như cá nướng sả ớt (ướp vào cá điêu hồng hoặc cá thu các gia vị: sả, ớt, muối, dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, tương ớt). Cá nướng chín ăn với bún, rau sống, nước mắm pha chua ngọt. 
Tía tô rất tốt cho cơ thể, nhất là những người đang bị cảm lạnh, đau nhức thân thể. Món cháo giải cảm lạnh nấu đơn giản, chỉ cần nấu cháo chín, múc ra tô, đánh vào một quả trứng gà ta, cho rau tía tô và gừng xắt nhuyễn. Ăn đến đâu ấm người đến đó. Tía tô có mặt trong nhiều món ngon như: bún chả, chả giò, bánh xèo, ốc nấu chuối đậu… nên ưu tiên dùng nhiều tía tô để không bị hàn khí xâm nhập, gây đau nhức cơ thể.

Mùa lạnh, nếu nhức mỏi, món điểm tâm buổi sáng nên nghĩ đến phở. Phở Việt nổi tiếng khắp thế giới vì ngon, cũng là món giúp cơ thể “đuổi” khí hàn nhờ chứa các vị thuốc ấm nóng như: gừng, hồi, quế, đinh hương, tiêu… ăn kèm với rau húng quế, hành lá... Riềng có mặt trong nhiều món ăn như: giả cầy, cá chép kho riềng, mắm Thái, chả cá lã vọng, lẩu gà Thái Lan, các món cháo, gà hầm… Khi nấu cơm, cho thêm vỏ cam, quýt xắt sợi, cơm sẽ có mùi thơm đặc biệt.
Lá lốt cũng là một trong những vị thuốc người xưa dùng để trị đau nhức. Hiện, Viện Nghiên cứu thảo dược của Đức đang nghiên cứu sản xuất thuốc từ lá lốt để trị bệnh gút, viêm đa khớp dạng thấp. Cách dùng lá lốt để trị đau nhức như sau: Dùng cả lá lốt và thân xắt nhỏ, phơi khô làm trà để uống. Nếu dùng khô thì từ 12-20g, còn dùng tươi từ 50-70g. Lá lốt thơm, dễ ăn, có trong các: thịt bò cuốn lá lốt, cá cuốn lá lốt, canh lá lốt thịt bò, bò xào lá lốt… vừa có công dụng bổ sung đạm, chất tạo máu cho cơ thể, vừa giảm đau nhức lưng, tay chân… Cây lá lốt rất dễ trồng, chỉ cần giâm xuống chậu nhỏ đường kính chừng 30cm, một tháng sau là có sẵn cây thuốc trong vườn nhà, có thể dùng bất kỳ lúc nào khi cần.
Củ khoai mài có “tài” đuổi đau nhức, chỉ cần gọt sạch vỏ nấu cháo, nấu chè hoặc hầm xương ăn thường xuyên để cơn đau nhức… không từ mà biệt.
* Sai lầm trong trị đau nhức: Nhiều người cho rằng, trái nhàu trị được bệnh đau nhức, nhưng theo Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM, trái nhàu không trị đau nhức mà hỗ trợ điều trị tiểu đường, tim mạch. Dùng trái nhàu chấm muối hoặc đường để ăn sống (người bệnh tiểu đường thì chấm muối, người bệnh tim mạch thì chấm đường). 
Trị đau nhức tốt là rễ nhàu. Rễ nhàu xắt nhỏ ngâm theo tỷ lệ một rễ nhàu/10 rượu để uống. Mỗi ngày dùng một-hai chung rượu nhỏ cũng có thể trị đau nhức, nhưng cần xem xét người uống có mắc bệnh gan, tim mạch hay không. Nếu gan, tim không khỏe thì đừng dùng rượu, vì không nên “đánh đổi” đau nhức với những căn bệnh nguy hiểm hơn.

Theo Tịnh An - Phụ Nữ Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét