Thương nhĩ tử tán: Một bài thuốc quý
hương nhĩ tử tán có công dụng làm thông mũi, chống đau đầu, thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang như chảy nước mũi trong và hắt hơi nhiều, ngạt mũi...
Trong điều kiện môi trường ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay, các bệnh lý mũi xoang như viêm mũi dị ứng, viêm mũi và viêm xoang cấp và mạn tính... là rất thường gặp và đang có xu hướng gia tăng.
Với những loại thuốc mới có tính an toàn và tính hiệu lực ngày càng cao, y học hiện đại đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc phòng chống các căn bệnh này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong không ít trường hợp, kết quả trị liệu bằng tân dược vẫn chưa làm cho người bệnh và thầy thuốc thực sự hài lòng.
Bởi vậy, việc chọn lọc, kế thừa, nghiên cứu và sử dụng các phương thuốc đông y để phòng chống các bệnh mũi xoang là hết sức cần thiết. Một trong những bài thuốc cổ nổi tiếng trong lĩnh vực này là Thương nhĩ tử tán.
Thương nhĩ tử tán, còn gọi là Thương nhĩ tán, khởi thuỷ từ sách thuốc cổ nổi tiếng Tế sinh phương do y gia trứ danh Nghiêm Dụng Hoà, tự Tử lễ, người Giang Tây, Trung Quốc biên soạn. Thành phần của bài thuốc này gồm: Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 2 tiền rưỡi (7g), tân di nửa lạng ta (15g), bạch chỉ 1 lạng (30g), bạc hà nửa tiền (1,5g). Tất cả sấy hoặc phơi khô, tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g. Theo cổ nhân, nếu dùng nước sắc củ hành và lá trà tươi để uống bột thuốc là tốt nhất.
Ké đầu ngựa, tân di, bạch chỉ, bạc hà
Những vị thuốc trong bài thuốc Thương nhĩ tử tán
Thương nhĩ tử tán có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu (làm thông mũi), chỉ đầu thống (chống đau đầu), thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang như Tỵ cừu (chảy nước mũi trong và hắt hơi nhiều, Tỵ tắc (ngạt mũi), Tỵ thế (chảy nước mũi), Tỵ trất (Ngạt mũi), Tỵ uyên (chảy nước mũi tanh hôi kéo dài)..., tương ứng với y học hiện đại là các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp và mạn tính, viêm xoang cấp và mạn tính...
Trong bài thuốc, thương nhĩ tử vị cay đắng, tính ấm, có công dụng thông mũi, trừ phong thấp, chỉ thống (giảm đau); bạch chỉ vị cay, tính ấm, có công dụng giải biểu, trừ phong táo thấp, tiêu thũng bài nùng (chống phù nề và làm hết mủ), chỉ thống; tân di vị cay, tính ấm, có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu; bạc hà vị cay, tính mát, có công dụng sơ tán phong nhiệt, thanh lợi đầu mục, lợi hầu, thấu chẩn.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, thương nhĩ tử có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, ức chế miễn dịch, chống ôxy hoá, hạ huyết áp và đường huyết, hưng phấn hô hấp và chống ung thư; bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giải nhiệt, chống co giật, hạ huyết áp, chống ung thư và cầm máu; tân di có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, giảm phù nề, chống dị ứng, hạ huyết áp, kháng khuẩn, ức chế ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư và làm hưng phấn hô hấp; bạc hà có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, kháng khuẩn, kháng virut, chống viêm, giảm ho, trừ đàm, giảm ngứa, và lợi mật. Điều này giải thích vì sao bốn vị thuốc phối hợp với nhau trong phương thuốc TNTT lại có công dụng trị liệu các bệnh lý viêm nhiễm ở mũi xoang.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét