Đông Y - Mất Ngủ


Cốt toái bổ mạnh gân cốt, bổ can thận

Cốt toái bổ còn có tên khác là tổ phượng, tổ rồng, tắc kè đá. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ khô của cây cốt toái bổ.



Theo Đông y, cốt toái bổ vị đắng, tính ôn, vào kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, hành huyết, phá ứ, cầm máu, khu phong, trừ thấp và giảm đau. Chữa thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), tiêu chảy kéo dài, chấn thương, bong gân tụ máu, sai khớp, gãy xương, đau nhức xương khớp, ù tai. Liều dùng: 10 - 20g rễ khô, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Dùng ngoài không kể liều lượng: dạng tươi giã nát đắp vào vết thương, dạng khô tán bột để rắc.
Cốt toái bổ mạnh gân cốt, bổ can thận 1
Cách dùng cốt toái bổ chữa bệnh:
Bổ thận chắc răng: Dùng trong trường hợp thận hư, dương phù sinh đau răng, chảy máu chân răng, răng lung lay.
Cốt toái bổ, liều lượng tùy ý, giã nhỏ, sao đen, tán thành bột mịn, sát vào lợi.
Thang gia vị địa hoàng: thục địa 16g, sơn dược 12g, sơn thù 12g, bạch linh 12g, đơn bì 12g, trạch tả 12g, tế tân 2,4g; cốt toái bổ 16g. Sắc uống.
Cốt toái bổ tán bột 4 - 6g, bầu dục lợn 1 cái. Đổ bột cốt toái bổ vào trong bầu dục lợn, nướng chín. Ăn ngày 1 quả. Chữa ù tai, đau lưng, thận hư đau răng.
Cốt toái bổ 16g, cẩu tích 20g, rễ gối hạc 12g, hoài sơn 20g, rễ cỏ xước (ngưu tất) 12g, dây đau xương 12g, thỏ ty tử 12g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g. Sắc uống. Chữa đau lưng mỏi gối do thận hư yếu.
Tiếp cốt liệu thương (nối xương, chữa vết thương): Dùng trong trường hợp té ngã bị thương, xương gãy lâu liền.
Tẩu mã tán: cốt toái bổ, lá sen, trắc bách diệp, bồ kết, liều lượng bằng nhau. Tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước; hoặc trộn với nước nóng thành hồ, đắp ngoài.
Cốt toái bổ 15g, sinh địa 10g, lá sen tươi 10g, trắc bá diệp tươi 10g. Sắc uống. Dùng khi bị thương, gân cốt tổn thương, chảy máu; răng bị viêm, lung lay chảy máu
Cốt toái bổ 12g, đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, hoài sơn 16g, ba kích 16g, bạch truật 12g, đương quy 12g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, mẫu lệ 12g, thiên niên kiện 8g. Sắc uống hoặc nấu thành cao lỏng. Tác dụng: bổ khí huyết, bổ gân xương. Dùng cho người già suy nhược cơ thể, gãy xương lâu liền.
Kiêng kỵ: Người có thực nhiệt thì không được dùng.
Một số loài thuộc chi Drynaria như tắc kè đá (Drynaria bonii Christ.), ráng bay (Drynaria quercifolia (L.) J. Sm.) cũng được thu hái làm thuốc có cùng tên "cốt toái bổ", cần chú ý khi dùng.
AloBacsi.vn
Theo BS. Tiểu Lan - Sức khỏe & Đời sống

************************************************************

Rượu ngâm ong: ai có thể uống?

Nhiều bạn đọc muốn biết về tác dụng của rượu ong, người nào uống được, người nào không nên uống.



Tôi thấy người ta bắt ong bò vẽ ngâm rượu và ca tụng công dụng của thứ rượu này. Tôi nuôi ong mật, thấy ong dữ đến bắt ong nên tôi cũng thường xuyên vợt chúng, vứt đi thì phí nên đem ngâm rượu. Tích tiểu thành đại, chẳng mấy chốc được một chai. Xin các chuyên gia cho biết ngâm thế nào cho đúng cách? Rượu ong này dùng chữa các bệnh gì và ai không dùng được?
(Nguyễn Xuân Điền)

Người có bệnh thận, tim mạch, tiểu đường không được uống rượu ngâm "ong rừng".
Chào bạn,

Không khó để nhìn thấy các loại "ong rừng" ngâm trong chai, hũ, lọ, bình... bày bán ở một số cửa hàng tạp hoá, cửa hàng ăn uống, khách sạn ở những khu du lịch miền núi, hải đảo cùng với những lời giải thích về tác dụng của rượu ngâm rất hấp dẫn... Tuy nhiên, công dụng thực sự của rượu ong tới đâu thì tới nay vẫn còn đang nghiên cứu và nhiều tranh cãi.
Ong bò vẽ (Vespa affinis), ong bò lỗ (Vespa soror), ong mặt quỷ (Vespa velutina) và các loài thuộc giống Vespa là những loài có lợi bởi chúng bắt sâu bọ bảo vệ mùa màng và thụ phấn cây trồng, cây tự nhiên góp phần đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đối với nghề nuôi ong, chúng là những loài có hại. Cùng với các loài kiến, sâu ăn sáp, các loài thuộc giống Vespa được gọi là kẻ thù hại ong. Để ngắn gọn, nhiều người nuôi ong gọi những con ong này là "ong rừng", người miền Trung gọi là ong trần.
Cho đến nay, người ta đã biết một thành phần chính trong nọc độc của ong là chất melittin có thể giúp trị bệnh viêm khớp mạn tính, nhưng chưa thấy có nghiên cứu nào nói về tác dụng chữa bệnh của rượu ngâm "ong rừng". Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều người đã coi rượu ngâm "ong rừng" như một loại thuốc chữa bệnh đau khớp, đau lưng... Có người cho biết uống thấy thơm, ngon, sức khoẻ tốt hơn một chút...
Thực ra, nọc các loài ong thuộc giống Vespa và giống Apis (ong mật) nhìn chung rất độc. Vì thế, chúng ta nên thận trọng khi sử dụng rượu ngâm các loại này. Không ít người sau khi uống bị dị ứng nổi ngứa khắp người. Bởi vậy, nếu định ngâm ong rừng sử dụng, nên lấy vợt để bắt; không nhặt con dưới đất để đảm bảo vệ sinh. Rượu ngâm khi uống cần được lọc qua loại vải hoặc khăn voan có thể giữ được lông ong.
Và nếu có bệnh đau khớp thì nên uống với lượng thật ít, tốt nhất nên dùng để xoa bóp. Những người có bệnh thận, tim mạch, tiểu đường không được uống rượu ngâm "ong rừng".

AloBacsi.vn
Theo Phạm Thị Huyền - Kiến Thức

************************************************************

Bài thuốc trị mất ngủ ở người cao tuổi

Chứng mất ngủ có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em, người lớn, đặc biệt là ở người cao tuổi.



Ở những người trẻ tuổi, mất ngủ phần lớn là do bệnh tật thì ở người cao tuổi, ngoài yếu tố như tinh thần căng thẳng, quá vui, quá buồn; hoặc ăn quá no, uống quá nhiều, nhất là những chất kích thích, hoặc các loại dược liệu như nhân sâm, hoặc các chế phẩm có sâm; hoặc do môi trường xung quanh quá ồn, quá sáng... đều có thể dẫn đến mất ngủ.
Người bệnh thường có những biểu hiện: giấc ngủ chập chờn, hay thức giấc và rất khó ngủ lại. Tình trạng này thường lặp lại dẫn đến mất ngủ thường xuyên, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Để khắc phục tình trạng này, xin giới thiệu một số vị thuốc và bài thuốc, món ăn dưỡng tâm an thần giúp người cao tuổi ngủ ngon giấc.
- Lạc tiên tươi (ngọn non và lá bánh tẻ) 100g, nấu canh ngày 1 - 2 lần, ăn cả nước và cái. Có thể dùng lạc tiên khô 16 - 20g, sắc uống, hoặc kết hợp với lá vông nem bánh tẻ (bỏ cuống), cây xấu hổ (cây trinh nữ), lá dâu (bỏ cuống), đồng lượng. Sắc uống ngày một thang chia 2 lần, trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Bài thuốc trị mất ngủ ở người cao tuổi 1
Tâm sen hãm hoặc sắc uống buổi tối có tác dụng an thần, chữa mất ngủ.
- Hoa thiên lý tươi 100g, nấu canh ăn hằng ngày, tốt nhất là ăn vào bữa tối.
- Hạt sen tươi bóc bỏ vỏ ngoài 100g, hầm nhừ, ăn cả cái và nước, chia 2 lần trong ngày, hoặc trước khi đi ngủ.
- Tâm sen (liên tâm) 2 - 4g hãm hoặc sắc với nước, uống vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ. Chỉ nên uống 1 - 2 tuần, khi đã ngủ được thì thôi, không nên uống thời gian quá dài.
- Dây hà thủ ô đỏ 60g (rửa sạch, để ráo nước, cắt đoạn 5 - 7cm, phơi khô), sắc uống ngày một thang chia 3 lần, trước bữa ăn. Có thể uống liền 7 ngày. Có thể uống lặp lại vài liệu trình nữa. Hoặc dây hà thủ ô 30g, táo nhân (sao đen) 5g, bá tử nhân 6g, long nhãn 9g. Sắc uống, ngày một thang chia 2 - 3 lần trước bữa ăn 1 - 2 giờ và buổi tối trước khi đi ngủ. Tác dụng: dưỡng tâm huyết, an thần, rất thích hợp với người cao tuổi thiếu máu mà mất ngủ.
- Táo nhân (sao đen) 80g, phục thần 40g. Cả hai đem nghiền thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 8 - 12g, chiêu bằng nước có pha mật ong vào buổi tối trước khi đi ngủ. Phương này dùng tốt cho người mất ngủ, hay quên, hay hoảng sợ.
- Táo nhân (sao đen) 24g, mạch môn đông (bỏ lõi, sao khô) 12g. Hai vị nghiền thành bột mịn, mỗi lần uống 8g vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Táo nhân (sao đen) 25g; tri mẫu, bạch phục linh mỗi vị 15g; xuyên khung, cam thảo mỗi vị 10g, sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần, trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Phương này dùng tốt cho những người mất ngủ do thần kinh suy nhược, hay đau đầu, hoa mắt.
- Trân châu mẫu nghiền bột mịn, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ uống 2 - 3g với nước đun sôi để nguội.
- Hạt muồng ngủ (hạt thảo quyết minh sao đen), rễ cúc tần, cúc hoa mỗi vị 8g; lá vông nem bánh tẻ (bỏ cuống), hương phụ tứ chế (tẩm muối, giấm, gừng, rượu, rồi sao khô), nhân trần, mỗi vị 12g; bình vôi (ngải tượng), cam thảo đất mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần trước bữa ăn. Uống liền 2 - 3 tuần.
- Tiểu mạch 30g, đại táo 10 quả, cam thảo 9g. Sắc uống ngày một thang, uống liền 2 tuần. Thang này thích hợp với phụ nữ mất ngủ, thần kinh suy nhược.
- Ngũ vị tử 6g ngâm trong 100ml rượu 300, sau 3 tuần là được, uống 30ml vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Huyền sâm 16g, sinh bách hợp 40g, sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần, uống lúc đói và buổi tối trước khi đi ngủ. Phương thuốc thích hợp cho những người ban đêm hay bị ho, đờm dẫn đến mất ngủ.
- Long đởm thảo 20g, ngũ vị tử 8g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần, có thể thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống. Phương này tốt cho người mất ngủ vì gan sơ tiết kém.
- Rễ cây táo ta (cạo bỏ lớp vỏ ngoài) 30g, đan sâm 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần vào buổi trưa trước khi ăn cơm 1 giờ rưỡi và tối trước khi đi ngủ. Phương này tốt cho người mất ngủ do thần kinh suy nhược.
AloBacsi.vn
Theo GS. TS. Phạm Xuân Sinh - Sức khỏe & Đời sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét