Đông Y - Bài Thuốc

Ké đầu ngựa chữa bướu cổ

Theo Đông y, quả ké đầu ngựa có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, vào đường kinh phế, trừ thấp, tiêu độc, sát trùng... có công dụng trong chữa bướu cổ.


Ké đầu ngựa có tên khoa học Xanthium inaequilaterum DC. (X. strumarium L.), thuộc họ cúc (Asteraceae). Theo Đông y, quả ké đầu ngựa có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, vào đường kinh phế, trừ thấp, tiêu độc, sát trùng. Do có hàm lượng iốt cao nên có công dụng trong chữa bướu cổ. Người ta thường chế một loại cao ké đầu ngựa gọi là vạn ứng cao để làm thuốc chữa bệnh bướu cổ. 
Cách làm thuốc: Từ tháng 5 - 9, hái cả cây về bỏ rễ, phơi khô, cắt nhỏ, nấu với nước, lọc và cô thành cao mềm. Cao này thường dễ lên men, khi uống, hoà với nước ấm, mỗi ngày từ 6 - 8g cao, uống liên tục 15 - 60 ngày. Cách khác có thể chế thành thương nhĩ hoàn cho dễ uống: Hái cây về, bỏ rễ, rửa sạch, cắt ngắn, cho vào nồi nấu với nước sôi trong 1 giờ, lọc lấy nước. Thêm nước vào, nấu sôi 1 giờ nữa, lọc và ép hết nước. 
Hợp cả 2 lần nước lại, cô thành cao mềm, khi nào lấy que thuỷ tinh nhúng vào cao, nhỏ lên giấy thấy giọt cao không loang ra giấy là được. Sau đó thêm bột vào (chừng 1/3 lượng cao) trộn đều, chế thành viên, sấy khô để dùng dần. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 16 - 20g, trước bữa ăn. Thuốc cao và thuốc viên này còn trị lở loét, mụn nhọt.
Nếu không có điều kiện, có thể dùng quả ké đầu ngựa hoặc cây ké đầu ngựa 12 - 16g sắc uống (nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn). Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi, nước sắc quả ké đầu ngựa lâu 15 phút, cô thành cao, chứa 300 microgam iod/g cao, nếu nấu lâu 5 giờ có thể chứa tới 420 - 430microgam iốt/g cao. 
Do đó, cao ké đầu ngựa hoặc viên ké đầu ngựa dùng chữa bướu cổ rất hiệu quả. Lưu ý là khi dùng quả và cây ké đầu ngựa, nên dùng loại già, không dùng loại quả hoặc cây non, có thể có độc.

AloBacsi.vn
Theo Lương y Đinh Công Bảy - Kiến thức


************************************************************

Trà thảo dược không nên uống sau bữa ăn

Có nhiều loại trà quảng cáo trị đủ thứ bệnh từ viêm gan, huyết áp, tim mạch… được nhiều người dùng uống hàng ngày. Tuy nhiên, đã có những vụ tai biến về trà thảo dược xảy ra.

Trà thảo dược không nên uống sau bữa ăn 1
Để trà thảo dược phát huy tác dụng, cần dùng điều độ, tránh uống thường xuyên một loại trà. Ảnh minh họa
 
Nhân trần không nên kết hợp với cam thảo

Nhân trần – cam thảo là 2 vị thuốc tốt, nhưng kết hợp với nhau sẽ không tốt vì cam thảo giữ nước, nhân trần lại giúp đào thải. Uống nước nhân trần pha cam thảo thay trà không đúng cách còn bị tương tác thuốc, nhất là người tăng huyết áp.

Trà đắng giúp giảm cân, an thần, ngủ ngon, hạ cholesterol máu, trị tiểu đường, bệnh tim mạch, chữa cảm lạnh, đau nhức… Nhưng các chuyên gia dược xếp vào nhóm dược thảo có chứa chất gây hại cho gan, uống nhiều sẽ rối loạn cung cấp máu cho gan, dẫn đến sưng gan, vàng da, bụng có nước, chân phù, chậm nhịp tim, hạ huyết áp đột ngột… Thậm chí mất thăng bằng, tự ngã, tử vong vì suy gan cấp tính, suy giảm chức năng tình dục.

Các lương y, bác sĩ khuyến cáo: Không phải bất cứ loại trà thảo dược nào cũng an toàn. Nếu có bệnh dùng trà thảo dược sai, bệnh sẽ nặng hơn. Người không có bệnh, uống nhiều trà thảo dược có thể bị ngộ độc dược chất.

Mua trà cần có nguồn gốc rõ ràng, dùng đúng hướng dẫn sử dụng, xem kỹ xuất xứ, hạn sử dụng. Không nên mua nguyên cây về nấu uống vì rất khó xác định nguồn gốc, độ an toàn (do khi trồng dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, nguồn nước ô nhiễm…) hoặc sơ chế không đảm bảo vệ sinh, sẽ hại cho sức khỏe.
 
Ai không nên uống trà thảo dược?

Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, người có sức khỏe bình thường có thể sử dụng trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau quả như bí đao, rau má, rau đắng, mướp đắng (khổ qua)… Nhưng có những loại trà thảo dược như: Hoa sơn trà, hoa tam thất, hoàn ngọc, nha đam, lược vàng… có tính chất chữa bệnh, dùng thường xuyên thì tính vị (nóng, lạnh, đắng, cay…) của thuốc sẽ làm cơ thể bị mất cân bằng.

Công dụng của các dược liệu có khác nhau, bào chế, liều dùng, cách dùng cũng tạo đặc trưng (như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hóa, giảm mỡ máu, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hóa, kháng khuẩn tiêu viêm…). Có loại trà thảo dược hợp với người này, nhưng không hợp với người kia.

Người vừa phẫu thuật hoặc đang dùng thuốc, người bị rối loạn chức năng thận, bệnh tim, viêm loét dạ dày và các vấn đề tâm lý, trẻ nhỏ cơ thể còn non nớt không nên uống trà thảo dược.

Người có bệnh tăng nhãn áp, thiếu máu, bệnh gan các bác sĩ khuyên nên tránh uống trà. Người yếu nếu uống trà thảo dược với tính hàn và vị đắng sẽ làm tổn hại đến dương khí và tì vị, dẫn đến nhiều căn bệnh khác.

Đặc biệt, các bà bầu muốn uống trà phải có ý kiến của bác sĩ, bởi các loại thảo mộc khi pha thành trà, cô đặc và uống quá nhiều sẽ không tốt tới sức khỏe mẹ và thai nhi. Một số loại trà có thể vô tình gây kích thích tử cung, co thắt dạ con (như với trà hoa cúc, thìa là, trà sả, ma hoàng, rễ cam thảo, lá mâm xôi, hoa hồi, cây ngải đắng, cây hương thảo…).

Nếu không có bệnh lý về gan, không có y lệnh thì bà bầu tuyệt đối không dùng nhân trần, cam thảo (kẻo cơ thể thải nhiều nước và dinh dưỡng sẽ khiến thai bị suy dinh dưỡng, sinh non hoặc thiếu cân, chết lưu…).

Phụ nữ mới sinh con không uống nhiều trà thảo dược vì dễ có nguy cơ hậu sản. Người mẹ uống nhiều có thể dẫn đến bị mất sữa hoặc ít sữa.

Phụ nữ kỳ kinh nguyệt mất rất nhiều máu, thiếu chất sắt, nếu uống trà thảo dược tính hàn vào càng hại cho dạ dày, còn gây chóng mặt, đau bụng.

Trà thảo dược là dược liệu, vì vậy không thể uống nhiều một lúc, càng không thể dùng lâu. Hầu hết trà thảo dược lợi tiểu, do đó không nên uống trước khi đi ngủ, khi đói (nhất là khi vừa ngủ dậy vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa). Không nên uống trà thảo dược ngay sau bữa ăn vì chất tanin sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng, khó tiêu... Không nên uống trà để qua đêm. Cũng không ngâm trà thảo dược trong ấm trước lúc đi ngủ để sáng hôm sau dậy uống, vì không khoa học và ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
AloBacsi.vn
Theo Phương Thuận - Trà Giang - Gia đình Xã hội


************************************************************

Không nên dùng cam thảo tùy tiện

Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ trung ích khí, hóa đàm chỉ khái, hoãn cấp chỉ thống, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.

Cam thảo còn gọi là bắc cam thảo, sinh cam thảo, quốc lão. Tên khoa học Clycyrrhiza uralensis fish và Glycyrrhixa glabra L. Thuộc họ cánh bướm Fabaceae. Cam thảo là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây cam thảo nguồn gốc vùng Uran hay cây cam thảo châu Âu. Tên cam thảo vì cam là ngọt, thảo là cỏ tức cỏ có vị ngọt.
Các kết qủa nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, cam thảo là vị thuốc có tác dụng bồi bổ, tăng trọng lượng và sức dẻo dai của cơ thể, giảm cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch, giải độc, bảo vệ gan, giảm đau, chống vi rút, chống viêm, ức chế sự phát triển tế bào ung thư, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể...
Cam thảo là vị thuốc được đại danh y Trung Quốc Lý Thời Trân tôn vinh là "Quốc lão", nghĩa là vị thuốc có công lao rất lớn. Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ trung ích khí (xúc tiến tiêu hóa), hóa đàm chỉ khái (tan đờm chống ho), hoãn cấp chỉ thống (giảm đau, giảm co thắt), thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.
Đặc biệt là tác dụng dược lý như giải độc rất mạnh đối với độc tố của bạch cầu, chất độc của cá lợn, của rắn, hiện tượng choáng. Cam thảo có khả năng giải chất độc của độc tố uốn ván. Cam thảo có tác dụng gần như coctison tăng sự kích tích nước và muối NaCl trong cơ thể gây ra thủy thũng, đồng thời trị các vết loét trong bộ máy tiêu hóa.
Nó là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y và tây y, ngoài ra nó còn được dùng trong kỹ nghệ thuốc lá, nước giải khát và chế thuốc chữa cháy.
Cam thảo được sử dụng rộng rãi trong các phương thuốc Đông y, do có tác dụng điều hòa các vị thuốc, kéo dài thời gian tác dụng và làm giảm bớt độ độc của các vị thuốc khác. Cam thảo dùng cùng với thuốc ấm thì bớt nóng, dùng với thuốc mát sẽ bớt lạnh; "bổ" không đột ngột, "tả" không quá mãnh liệt.
Trong y học, ngoài công dụng làm cho thuốc ngọt cho dễ uống, làm tá dược chế thuốc viên, thuốc ho, thuốc giải độc, hiện nay cam thảo có hai công dụng chủ yếu đó là chữa loét dạ dày và ruột: Ngày uống 4g, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống liền 7 - 14 ngày, sau đó nghỉ vài ngày để tránh hiện tượng phù nề, nặng mặt.
Cam thảo có độ độc rất thấp, nhưng dùng lâu có thể sinh phù thũng và tăng huyết áp. Cam thảo cũng có thể gây đầy bụng, nên những người bụng trướng đầy do thấp trệ không nên dùng. Sách "Bản thảo kinh tập chú" viết: Cam thảo "phản" đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải tảo, không được dùng chung.
Dùng cam thảo không đúng cách sẽ gây hại cho cơ thể, cụ thể sử dụng cam thảo dài ngày vì trong cam thảo có chứa 6 - 14%, cá biệt có loại chứa đến 23% glycyrizin, là chất có vị ngọt gấp 50 lần đường saccaroza, khi qua đường miệng có độc tố yếu. Nếu uống quá nhiều cam thảo đặc sẽ gây tăng huyết áp, giảm kali trong máu. Vào mùa hè, nhiều người sử dụng nhân trần và cam thảo để làm nước uống hàng ngày, điều này hoàn toàn sai lầm.
Theo Đông y, nhân trần có vị cay, đắng, tính hàn dùng để mát gan, giảm đau đầu, cảm nhiệt. Cả cam thảo và nhân trần đều có những tác dụng tốt nhưng khi phối hợp lại với nhau sẽ gây hại, bởi cam thảo có tính chất giữ nước trong khi nhân trần lại giúp đào thải. Chính vì vậy, thói quen uống nhân trần cho thêm cam thảo tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc, nhất là bệnh tăng huyết áp.
Những ai không nên dùng cam thảo?
Cam thảo kết hợp với nhân trần có thể gây ra ít sữa hoặc mất sữa ở phụ nữ có thai, ngoài ra, do nhân trần có tính lợi tiểu nên sẽ thải nhiều, các chất dinh dưỡng và lượng nước bị thải thường xuyên sẽ mất chất dinh dưỡng để nuôi nhau, khiến thai bị suy dinh dưỡng, dễ bị đẻ non và dị tật thai nhi.
Đối với nam giới, nếu dùng cam thảo với liều lương trên 8g/ngày trong thời gian kéo dài sẽ gây bất lực, giảm miễn dịch, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày.
Các trường hợp như viêm thận, người bị tăng huyết áp, huyết áp không ổn định cũng không nên dùng cam thảo. Những người bị táo bón lâu ngày, người cao tuổi, người viêm phế quản, ho nhiều, khó thở cũng tốt nhất không nên sử dụng cam thảo.
Các trường hợp khác, mỗi ngày chỉ nên dùng một gói trà có cam thảo, không nên dùng những loại trà chưa cam thảo như trà bát bảo, nhân trần thay nước lọc.
Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra hoạt chất glycyrrhizic axit trong cam thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ. Đáng quan tâm nhất là các triệu chứng tăng bài tiết kali, giữ nước, tăng huyết áp.
Nhiều thí nghiệm cho biết dùng dài hạn (trên hai tuần) sản phẩm có chứa glycyrrhizic axit với liều khoảng 500mg mỗi ngày (tương đương khoảng 10g cam thảo) có thể gây ra những phản ứng trên. Cũng có tài liệu cho biết dùng đến 50g cam thảo/ngày trong hai tuần mới dẫn đến huyết áp cao đáng kể. Một quan điểm khác thì cho rằng phần lớn các trường hợp giữ nước, tăng huyết áp rơi vào những người ăn quá nhiều kẹo chứa cam thảo.
Một số nghiên cứu hiện đại cũng đã kết luận, dùng cam thảo hằng ngày (8g/ngày) trong thời gian dài có thể làm giảm lượng testosteron, gây bất lực cho nam giới, đồng thời làm giảm miễn dịch, gây phù toàn thân, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày.
Kể cả các trường hợp viêm thận có các biểu hiện phù mí mắt, tiểu ít...; các trường hợp viêm gan, xơ gan... đã có biểu hiện phù nề cũng không nên dùng cam thảo.
Đối với những người đang uống thuốc Tây, người bị bệnh, khi dùng cam thảo phải hỏi ý kiến bác sĩ, đề phòng các tương tác xấu.
AloBacsi.vn
Theo BS Hoàng Xuân Đại - Nông Nghiệp


************************************************************


Công dụng của trái nhàu

Lương y Nguyễn Công Đức cho biết, mùi khai của quả nhàu có thể làm bạn khó chịu nhưng trên thực tế nó có rất nhiều công dụng trong việc bảo vệ sức khỏe của con người.

Nhàu phơi khô hay dùng tươi đều là vị thuốc chữa các bệnh cao huyết áp, nhuận tràng, băng huyết, nhức mỏi, đau lưng, tiểu đường, mụn nhọt. Rễ cây nhàu xắt nhỏ, phơi khô, nấu nước uống hàng ngày (30g đến 40g) thay nước trà trong vài tháng liền sẽ chữa được bệnh cao huyết áp; nếu đem ngâm rượu, sau một vài tháng lấy ra mỗi ngày uống một vài ly nhỏ sẽ chữa được bệnh nhức mỏi.
Tăng cường hệ miễn dịch: Trái nhàu có tác dụng sản xuất những tế bào T có vai trò quan trọng trong việc đề kháng các tế bào lạ hoặc những dị ứng lạ cho cơ thể con người, thậm chí cả tế bào ung thư, giúp các tế bào này tăng cường, làm cho các tế bào khác mạnh mẽ lên, các tế bào lạ bị tiêu diệt dần dần.
Loại bỏ độc tố: Tăng khả năng hấp thụ, tiêu hóa, sử dụng vitamin, thảo dược và khoáng chất. Có khả năng chống oxy hóa cao giúp ngăn chặn sự hủy hoại những gốc tự do
Chống viêm: Trái nhà có tác dụng trong việc chữa cá bệnh liên quan đến cơ và khớp như bệnh viêm khớp, hội chứng nhức xương cổ tay, giảm đau và giảm sưng vết thương với triệu chứng như vết thâm tím, căng da và bỏng. Hiệu quả trong việc chữa trị vết loét và ngừa phát ban.
Hen suyễn: Nước cốt trái nhàu giúp người bị hen suyễn bớt cơn hen, tránh dị ứng mà người hen thường bị (như bụi, khói, phấn hoa... )
Giảm đau: Trái nhàu có tác dụng chữa những cơn đau trong cơ thể như: đau lưng, cổ, đau cơ, thần kinh và những cơn đau như căng thẳng, đau nửa đầu. Có thể nói nước trái nhau được sử dụng như một loại thuốc giảm đau mà không có tác dụng phụ nào cả.
Giảm cân: Uống nước cốt trái nhàu sẽ khiến bạn không thèm ăn, giúp bạn giảm cân hiệu quả.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Vị chua của trái nhàu khi ép làm tăng sự co bóp cơ trơn ở trong ruột, giúp cho sự đẩy phân ra ngoài. Khi bị táo bón, thay vì uống thuốc nhuận tràng, bạn có thể uống trước 2 muỗng nước cốt trái nhàu, việc đi cầu sẽ rất dễ dàng do sự tăng co bóp của ruột.
Trị mụn cóc: Dùng trài nhàu non, giã nhuyễn và đắp lên mụn cóc và băng kín lại. Mỗi ngày thay một lần và đến ngày thứ 7 thì mụn cóc lồi lên và bạn có thể loại bỏ được mụn cóc.
Chữa đau nửa đầu: Nước ép của trái nhàu có tác dụng chữa đau nửa đầu rất hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh tim mạch: Nước ép trái nhàu tăng cường cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, thông thoáng các mạch máu, bền thành mạch, giảm huyết áp....
Theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn dùng rế trái nhàu. Ngoài ra, trái nhàu non có thể thay thế cho rể, có thể thái nhỏ phơi khô, xao vàng nấu nước uống. Nó có giá trị giống với tác dụng của rễ: giảm đau, hen suyễn
Uống bao nhiêu là đủ:
- Đối với những người khỏe và trẻ tuổi nên uống mỗi ngày khoảng 30ml.
- Đối với người lớn tuổi hơn, uống 60ml mỗi ngày, buổi sáng và cuối chiều.
- Nếu bắt đầu chữa bệnh bằng nước ép từ quả nhàu, tháng đầu tiên nên uống khoảng 160ml/ngày.
- Người bị chấn thương đột ngột hoặc bị giải phẫu nên uống 180-240ml/ngày, sau đó uống đều đặn từ 90-120ml/ngày.
- Những người mắc những bệnh nguy hiểm như ung thư, tiểu đường nên uống thường xuyên từ 18-240ml/ngày.
Các bộ phận của cây nhàu được dùng làm thuốc là rễ, quả, lá và vỏ cây. Trong đó, rễ nhàu thường được sử dụng nhiều hơn cả. Người ta đào một phần rễ của cây nhàu, rửa sạch đất cát, thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. Các bộ phận khác thường được dùng tươi.

Cách dùng
: Xay nhuyễn trái nhàu chín (cả hạt) , ép lấy nước cốt uống mỗi ngày 3 lần.
Lưu ý: Uống nước ép từ quả nhàu ngay khi bụng còn đói.
AloBacsi.vn
Theo Minh Hải - VnMedia


************************************************************


Bài thuốc trị bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh da cấp tính thường gặp ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm, thường gặp nhiều ở mùa đông - xuân và dễ lan nhanh thành dịch.

Tủy đậu do virut Varicella Zoster gây ra, chủ yếu ở các bệnh nhi, người lớn ít mắc. Khi mắc bệnh, trẻ thường phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, chảy nước mũi và ho, sau đó xuất hiện các nốt đỏ ở mặt, thân, mình, tiếp theo các nốt đỏ mọng nước (phỏng rạ) như hạt đậu, nốt phỏng nước trong hoặc mủ đục mọc thưa thớt, không đều. Trẻ bị bệnh thường bứt rứt khó chịu. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, tuy lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày nhưng nếu để bội nhiễm sẽ dẫn đến biến chứng, nhiều khi rất nguy hiểm như viêm màng não, viêm gan, hoặc để lại vết sẹo vĩnh viễn trên da (trường hợp bị rỗ).
Về nguyên nhân sinh bệnh, Đông y cho rằng thủy đậu là do cảm nhiễm ngoại tà, phong nhiệt bị uất kết ở cơ biểu phối hợp với dịch khí lưu hành, nên bệnh tà phát nhanh, lưu hành mạnh mang tính chất dịch tễ.
Khi bị mắc bệnh, điều quan trọng là phải chú ý giữ gìn vệ sinh và thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh để đề phòng bội nhiễm như sốt cao, mụn phỏng lở loét.
Điều trị chứng thủy đậu chủ yếu dùng pháp thanh nhiệt, thấu biểu, giải độc, lợi thấp. Xin giới thiệu một số bài thuốc thường dùng.
Bài 1: Trẻ mới mắc phát sốt, nốt đậu dịch trong suốt, xung quanh sắc nhạt, đỏ, bệnh do phong nhiệt thấp độc uất lại ở phế vệ, cơ biểu, dùng: bạch vi 9g, thuyền thoái 3g, đạm đậu xị 5g, kim ngân hoa 6g, địa đinh thảo 6g, tang diệp 5g, bạc hà 1g, sơn chi vỏ 2g, liên kiều 6g, sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần cho trẻ khoảng 3 tuổi. Nếu nốt đậu có nước đục xung quanh màu đỏ tía cần lương huyết, giải độc, gia bản lam căn 6g, bồ công anh 6g, sinh địa 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc trị bệnh thủy đậu 1
Liên kiều
Bài 2: Liên kiều 6g, đương quy 8g, xích thược 6g, phòng phong 6g, ngưu bàng 4g, thuyền thoái 3g, mộc thông 3g, hoạt thạch 8g, cù mạch 6g, kinh giới 8g, sài hồ 6g, hoàng cầm 6g, sơn chi 3g, thạnh cao 6g, xa tiền tử 4g, đăng tâm thảo 6g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.
Bài 3: Trường hợp trẻ sốt nhiều, nôn mửa, khát nước, buồn bực, dùng bàiKhoan trung thấu độc ẩm: cát căn 12g, tiền hồ 12g, cát cánh 12g, thanh bì 8g, chỉ xác 6g, thuyền thoái 8g, kinh giới 8g, sơn tra 8g, liên kiều 8g, mạch nha 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 4: Nếu trẻ tiểu tiện vàng sẻn, nốt đậu ngứa ngáy dùng thuốc cay mát để tuyên thấu, thanh nhiệt, phân lợi: liên kiều 4g, kim ngân hoa 4g, bạc hà 4g, nhân trần 6g, xích thược 3g, đại thanh diệp 6g, sinh chi tử 3g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc trị bệnh thủy đậu 2
     Bồ công anh
Bài 5: Bài thuốc dân gian thường dùng: lá tiết dê 20g, lá bạc thau 8g, lá rau bát 15g, lá bồ ngót 20g, lá quỳnh châu 10g, lá đào tiên 5g, lá diếp cá 20g, lá mặt trăng 10g, bông mã đề 15g, lá dâm bụt 5g, rau má 20g. Tất cả rửa sạch rồi vò trong một lít nước, đun sôi nước đó lên, lọc bỏ bã, để nguội dùng làm nước uống, bã xoa khắp người. Mỗi ngày dùng một thang trong 3 - 4 ngày liên tục.
Bài 6: Nếu nốt đậu nhiều, vỡ loét không đóng vảy được, dùng hoàng liên 8g, hoàng cầm 6g, hoàng bá 12g, chi tử 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 7: Trường hợp nốt đậu mọc nhiều, vỡ loét, ngứa ngáy, dùng mộc thông 3g, sinh địa hoàng 6g, hoạt thạch 4g, rễ chàm mèo 6g, liên kiều 5g, chi tử sao 5g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 8: Trường hợp nốt đậu đỏ tươi, xuất hiện nhiều ở ngực, bụng rất ngứa, sốt cao, khát nước, phiền toái, bứt rứt, ăn không ngon, mệt mỏi, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện khó, dùng bồ công anh 6g, địa đinh thảo 6g, hoàng cầm 5g, bạc hà 3g, mộc thông 3g, cam thảo 3g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, vỏ chi tử sao 3g, thuyền thoái 3g, hoạt thạch 10g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.
AloBacsi.vn
Theo   DSCKI. Phạm Hinh - Sức khỏe và Đời sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét