Cỏ mần trầu trị huyết áp cao
Đông y cho rằng, cây có vị ngọt nhạt hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ thấp, phối hợp với nhân trần làm nước giải khát mùa hè.
Cỏ mần trầu hay mần chầu, tên khác là ngưu cân thảo, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cỏ vườn trầu, cỏ màng trầu... với tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaerth.f., thuộc họ Lúa (Poaceae).
Đông y cho rằng, cây có vị ngọt nhạt hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt (làm ra mồ hôi), tiêu viêm, trừ thấp, cầm máu, tan ứ, mát gan, giải độc, lợi tiểu, hạ áp, hạ sốt và sốt rét, phối hợp với nhân trần làm nước giải khát mùa hè.
Có công dụng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và ít một. Còn dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cũng dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.
Cỏ mần trầu có thể dùng phối hợp cùng cùi vải trị viêm tinh hoàn, với tổ kén đực làm thuốc chữa viêm gan vàng da, dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón…
Ở Trung Quốc, những kết quả nghiên cứu trên lâm sàng từ cây cỏ mần trầu đã chứng minh nó có tác dụng phòng chứng viêm não truyền nhiễm, chữa đau khớp, bệnh gút, người viêm gan, vàng da, viêm ruột, kiết lỵ, viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn.
Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, cầm máu chó cắn. Liều dùng 16 - 20g (khô), 40 - 100g (tươi) dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; thường phối hợp với các vị thuốc khác.Hiện nay, cỏ mần trầu còn được xếp vào nhóm những cây thuốc quý có tác dụng chữa ung thư đang được nghiên cứu.
Dưới đây là một số cách trị bệnh từ cỏ mần trầu
* Bệnh nhân cao huyết áp, nhổ toàn cây, cả rễ rửa sạch, thái nhỏ. Cần 500g, giã nát. Thêm một chén nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước cốt. Lọc lấy nước, có thể cho thêm tí đường cho dễ uống, chia 2 lần uống vào sáng và tối trước khi đi ngủ.
* Bệnh nhân lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu ít, nước tiểu vàng lấy cỏ mần trầu (40g), sắc 200ml uống một lần trong ngày.
* Phụ nữ có thai người nóng dẫn đến táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực. Ngày sắc 12 - 16g khô trong 300ml nước uống 2 - 3 lần.
* Trẻ con mụn nhọt, sốt cao, sốt xuất huyết, rôm sảy, ban đỏ, tưa lưỡi lấy cỏ mần trầu tươi (120g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Cỏ khô 20g sắc với 400ml nước còn 100ml chia uống hai lần.
* Nóng trong người, tiểu gắt và vàng, da mẩn đỏ, cỏ mần trầu (40g), sắc uống một lần trong ngày, có thể thêm 20g rễ cỏ tranh sắc chung uống trong ngày.
* Trẻ đái dầm lấy 20g cỏ mần trầu, mùi tàu 20g, rau ngổ 20g, cỏ sữa lá nhỏ 10g thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chiều.
* Ngoài ra, cỏ mần trầu với bồ kết đun lấy nước để gội đầu dùng trị tóc bạc sớm.
* Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: Cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.
* Chữa sốt cao co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
* Mần trầu cũng một vị thuốc trong toa thuốc căn bản: Cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, mần trầu 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g. Tác dụng của mần trầu trong đơn là giải độc, an thai, thanh nhiệt.
* Chữa viêm da, vàng da: Cỏ mần trầu tươi 60g.Rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
* Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống.
* Chữa viêm tinh hoàn; cỏ mần trầu 60g. Cùi vải 10 cùi.Sắc uống.
* Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa: Lấy cỏ mần trầu tươi, rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt uống. Ngày 2 - 3 lần.
* Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít. Mần trầu 16g, Cỏ tranh 16g. Sắc uống trong ngày.
AloBacsi.vn
Theo Nông Nghiệp
Theo Nông Nghiệp
************************************************************
Hỗ trợ điều trị thiếu máu
Quả dâu chín ngâm với đường (hoặc mật ong), pha nước uống vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng thường xuyên tốt cho người bệnh thiếu máu, mất ngủ.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây thiếu máu chủ yếu do tỳ vị suy nhược. Người bệnh thường có biểu hiện: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, hay quên, ù tai, mất ngủ, tê tay chân, tóc khô giòn, dễ rụng, phụ nữ có lượng kinh ít, bế kinh... Một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả là sử dụng các món ăn, bài thuốc.
Bài 1: Thịt dê 250g, đương quy 15g, sinh địa hoàng 15g, gừng 10g, nước tương, muối, đường vừa đủ. Thịt dê rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi trộn đều với các vị trên, thêm nước xâm xấp, đun sôi sau đó đun nhỏ lửa hầm nhừ là dùng được. Ngày ăn 1 lần với cơm. Dùng 5 - 7 ngày là một liệu trình. Công dụng:bổ khí huyết, tăng thể lực, dùng rất tốt cho người bệnh thiếu máu, gầy yếu, mệt mỏi.
Táo tàu
|
Bài 2: Gà mái 1 con, gạo tẻ 100g. Mổ gà rửa sạch, hầm lấy nước cốt. Nấu cháo gạo bằng nước cốt gà, nấu to lửa cho sôi kỹ, rồi để nhỏ lửa cho nhừ nhuyễn. Cách dùng: Ngày ăn hai bữa sáng tối, ăn nóng. Dùng 3 - 5 ngày.Công dụng: bổ khí huyết, dùng cho các trường hợp suy nhược thiếu máu.
Bài 3: Tiết canh lợn 500g, rửa sạch, thái miếng vuông; 100g cá diếc bỏ vẩy, bỏ nội tạng, rửa sạch, khía cạnh; gạo 100g, hạt tiêu trắng một ít, nấu lên thành cháo, không nên cho muối. Ăn thường xuyên sẽ trị được thiếu máu, đau đầu.
Bài 4: Mộc nhĩ đen 30g, táo tàu 30 quả, đường đỏ vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước 30 phút, cùng cho vào nồi với táo tàu, nấu nhừ rồi cho đường vào quấy đều là được. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 10 ngày.
Mộc nhĩ đen
|
Bài 5: Quả dâu chín ngâm với đường (hoặc mật ong), pha nước uống vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng thường xuyên tốt cho người bệnh thiếu máu, mất ngủ.
Bài 6: Chim cút 2 con, hoàng kỳ 50g, đảng sâm 50g, hoài sơn 50g. Chim cút làm sạch lông, bỏ ruột, cho vào nồi cùng hoàng kỳ, đảng sâm, hoài sơn đổ vừa nước, hầm cho thịt chim cút nhừ, gia vị vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần. Dùng 5 - 7 ngày là một liệu trình. Dùng tốt cho người bệnh thiếu máu, người mới ốm dậy.
Bài 7: Rau chân vịt tươi 200g (để nguyên rễ), gan lợn 150g. Rửa sạch rau chân vịt, thái thành từng đoạn; gan lợn rửa sạch thái miếng mỏng. Đun sôi nước, cho vài lát gừng tươi và gia vị, sau đó cho gan lợn và rau chân vịt vào, tiếp tục đun cho gan chín là được. Có thể dùng làm canh trong bữa ăn hằng ngày. Dùng 1 tuần là một liệu trình. Công dụng: bổ dưỡng, bổ huyết, dùng tốt cho người bệnh thiếu máu do thiếu sắt, làm cho da trở nên hồng hào, khỏe mạnh.
AloBacsi.vn
Theo BS Thúy An - Sức khỏe & Đời sống
Theo BS Thúy An - Sức khỏe & Đời sống
************************************************************
Lưu ý khi châm cứu chữa bệnh
Để châm cứu có hiệu quả tốt nhất, người thầy thuốc phải được đào tạo tốt, tự tin, có sức khoẻ tốt.
Hiện nay, có nhiều trường phái châm cứu được sử dụng phổ biến như thể châm (châm các các huyệt trên cơ thể), nhĩ châm (châm các huyệt trên loa tai), diện châm (châm hoặc ấn các huyệt trên mặt), túc châm, thủ châm, tỵ châm, châm tê, trường châm, mãng châm, chôn chỉ... Mỗi loại châm cứu đều có một hiệu quả nhất định trên một số dạng bệnh lý khác nhau.
Theo y học cổ truyền, châm cứu giúp phục hồi lại sự tuần hoàn tốt của hệ kinh - mạch và tăng khả năng phòng vệ của cơ thể (sức đề kháng) nên có thể phòng và trị được bệnh.
Để châm cứu có hiệu quả tốt nhất, người thầy thuốc phải được đào tạo tốt, tự tin, có sức khoẻ tốt, tập trung khi thao tác, bảo đảm nguyên tắc vô trùng y dụng cụ. Đối với người bệnh thì phải tin tưởng, tâm trạng thoải mái, không quá lo sợ, không ăn quá no, quá đói.
Những trường hợp cần cẩn thận hoặc chống chỉ định sử dụng châm cứu như người bệnh căng thẳng, sợ kim, tránh một số huyệt nhạy cảm khi người bệnh có thai, da chai, sẹo hoặc đang viêm nhiễm. Tránh các vùng có mạch máu lớn, bệnh lý rối loạn đông máu, hoặc đang dùng thuốc kháng đông máu. Người bệnh không hợp tác (kết quả sẽ kém).
Châm cứu có tác dụng tốt trong các trường hợp bệnh lý có căn nguyên rối loạn chức năng, các bệnh lý gây đau do nguyên thần kinh, co thắt cơ vân - cơ trơn, do liệt vận động, một số bệnh lý viêm không do vi trùng mạn tính.
AloBacsi.vn
Theo BS.CK II Trần Văn Năm - Kiến thức
Theo BS.CK II Trần Văn Năm - Kiến thức
************************************************************
Thực đơn chữa bệnh có cà
Theo Đông y, cà vị ngọt, tính hàn; vào tỳ vị đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoại huyết, tiêu thũng, chỉ thống.
Cà là loại cây thảo sống hàng năm hay nhiều năm, thân hơi hóa gỗ, quả mọng có hình dáng kích thước và màu sắc tùy theo giống cà. Có nhiều loại: cà tròn: cà bát xanh, cà bát trắng và cà tím; cà dài: cà dái dê, cà dồi chó; cà pháo: cà xoan, cà sung, cà dừa, cà tứ thời. Quả cà chứa trigonelin, stachydrin, cholin, nasunin... pectin, acid oxalic. Hạt chứa dầu béo trong có nhiều acid linoleic.
Theo Đông y, cà vị ngọt, tính hàn; vào tỳ vị đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoại huyết, tiêu thũng, chỉ thống. Dùng cho các trường hợp nhiệt độc mụn nhọt, lở ngứa, viêm loét da cơ, đại tiện xuất huyết; cà là tác nhân kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan.
Cháo cà: cà tím hoặc cà dái dê cùng nấu cháo với gạo tẻ, cho ăn liên tục trong 7 - 10 ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da.
Cà ghém xào tỏi: cà ghém 500g, tỏi già 30g, gừng tươi 1 nhánh. Cà thái lát, ngâm qua nước để sẵn, tỏi bóc vỏ giã nát, gừng tươi đập dập. Xào cà với dầu thực vật cho chín, thêm gừng và gia vị. Có thể thêm đậu phụ, thịt ba chỉ, lá lốt thái lát cùng cho vào xào to lửa; sau cùng cho tỏi vào đảo nhanh và tắt bếp. Dùng cho các trường hợp viêm ruột xuất huyết, viêm loét da cơ, mụn nhọt.
Canh cà ghém: cà 250g, có thể thêm thịt nạc, đậu phụ. Nấu canh. Dùng cho các bệnh nhân sốt nóng, bệnh sốt rét cơn, u bướu, viêm tấy sưng nề.
Cà muối: có 2 cách muối cà là muối sổi và muối mặn.
Cà muối sổi: cà pháo 5kg, muối 250g, tỏi 3 - 5 củ. Cà cắt bỏ núm (phần lá đài và cuống quả), rửa sạch; tỏi bóc bỏ vỏ cứng, giã nát. Cho cà, muối và tỏi giã vào hũ (âu, vại), đảo đều, đậy kín, để 4 - 6 giờ. Đặt vỉ có đè vật nặng lên trên, đổ nước sạch ngập vỉ. Để 3 - 5 ngày là ăn được.
Cà muối mặn: dùng cà bát, cắt bỏ núm, rửa sạch, phơi héo, cho vào vại; cứ mỗi lượt cà rải lượt muối, lượng muối sử dụng khoảng 15 - 25%. Đặt vỉ, đổ nước sạch gần ngập vỉ và đổ lên trên phần muối còn lại, đặt lên trên một vật nặng. Sau 15 ngày đến 1 tháng mới dùng được. Cà muối theo cách này thường mặn chát nên trước khi ăn phải ngâm trong nước rất lâu mới bớt mặn.
Thuốc chữa bệnh có cà:
Xuất huyết đường tiêu hóa: cà pháo già thái phơi khô, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 8g, uống bằng nước giấm pha loãng
Trị sưng tấy: quả cà mài với nước giấm hoặc giã nát cho ít giấm và chưng. Đắp hỗn hợp lên vết sưng.
Chữa đại tiểu tiện ra máu: rễ cà 30g sắc uống.
AloBacsi.vn
Theo TS. Nguyễn Đức Quang - Sức khỏe và Đời sống
Theo TS. Nguyễn Đức Quang - Sức khỏe và Đời sống
************************************************************
Tác dụng tuyệt vời của cà rốt
Cà rốt giàu vitamin không chỉ có tác dụng dưỡng da, trị chứng da khô, trứng cá, mụn nhọt... mà còn có tác dụng trị nhiều bệnh.
Cà rốt là thực phẩm giàu vitamin A, B, C. |
Cà rốt còn gọi là củ cải hang, vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ tiêu thực, nhuận tràng, bổ can minh mục, thanh nhiệt giải độc. Thường dùng để dưỡng da, trị chứng da khô, trứng cá đầu đen, mụn nhọt... Ðây là loại thực phẩm rất giàu vitamin A, B, C, có lợi cho quá trình chuyển hóa và tái tạo da, tăng sức đề kháng, phòng và trị các bệnh.
Cảm mạo: Cà rốt 50g, gừng tươi 25g. Gừng tươi thái chỉ, cà rốt cắt miếng, hai thứ đem sắc trong 15 phút, bỏ bã, uống nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.
Công dụng: Khu phong, tán hàn, giải biểu thích hợp cho những trường hợp sốt nhẹ, sợ lạnh nhiều, không có mồ hôi, đau đầu, đau mình mẩy, đau nhức các cơ khớp, tắc mũi nặng, chảy nước mũi trong, ngứa họng, ho, khạc đờm trắng loãng, không khát nước hoặc khát nhưng thích uống nước ấm nóng, rêu lưỡi trắng ướt...
Bệnh sởi: Cà rốt 2 củ rửa sạch thái vụn rồi đem sắc lấy nước uống trong ngày, dùng liên tục trong 5 ngày, thích hợp với giai đoạn mọc ban sốt rất cao. Hoặc cà rốt 1 củ, mã thầy 150g, sắc lấy nước uống thay trà có công dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm sinh tân, dùng trong giai đoạn sởi hồi phục.
Thủy đậu: Cà rốt 100g rửa sạch, thái miếng, rau mùi tươi 50g, hai thứ đem nấu thành nước chia uống vài lần trong ngày, dùng liên tục trong 3 ngày, thích hợp với giai đoạn ban dát bắt đầu xuất hiện. Hay cà rốt 100g, mã thầy 100g, hai thứ rửa sạch, thái vụn, sắc uống thay trà, dùng trong giai đoạn toàn phát.
Trong giai đoạn khởi phát và toàn phát: Cà rốt 120g thái phiến, mã thầy 60g thái phiến, rau mùi 90g thái vụn, cho cả ba vị vào nấu với 1 lít nước trong 15 phút, lọc bỏ bã lấy nước chia uống nhiều lần.
Tiêu chảy: Cà rốt tươi 2 củ, sơn tra sao 15g, đường đỏ lượng vừa đủ. Cà rốt rửa sạch, thái vụn rồi đem sắc kỹ cùng với sơn tra, khi được bỏ bã chế thêm đường đỏ, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Thuận khí tiêu thực, hóa tích chỉ tả, dùng cho trường hợp bị tiêu chảy do ăn uống đồ béo bổ, khó tiêu, không đảm bảo vệ sinh. Biểu hiện bằng các triệu chứng: Bụng sôi, đầy chướng và đau, ợ hơi, ợ chua nhiều, đi ngoài nhiều, phân lỏng mùi hôi khẳn, sau đại tiện thì đỡ đau, rêu lưỡi trắng dày...
Theo BS Xuân Mai - Hội Đông y Việt Nam- Kiến thức
************************************************************
Ngò rí đa công dụng
Không chỉ là loại gia vị giúp món ăn trở nên thơm ngon hơn, ngò rí (hay còn gọi là ngò ta hoặc rau mùi) còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ảnh: flickr.com
1. Trị sưng viêm
Ngò rí chứa hai thành phần dưỡng chất quan trọng là cineole và axít linoleic có tác dụng chống viêm nhiễm rất tốt. Do vậy, đối với những ai bị viêm khớp hay thấp khớp thì ngò rí được xem loại thực phẩm không nên bỏ qua trong các bữa ăn hàng ngày.
2. Hạ cholesterol xấu
Thường xuyên ăn hoặc uống nước ép ngò rí sẽ giúp giảm thiểu lượng cholesterol xấu trong máu một cách hiệu quả. Đó là nhờ vào các hợp chất thiết yếu có trong cây ngò rí như axít linoleic, axít oleic, axít palmitic, axít stearic và axít ascorbic (vitamin C). Những hợp chất này có tác dụng làm giảm thiểu cholesterol xấu bám vào các thành động mạch và tĩnh mạch, đồng thời tăng lượng cholesterol tốt trong máu, giúp bảo vệ hệ thống tim mạch luôn khỏe mạnh.
3. Trị tiêu chảy
Ngò rí chứa dồi dào chất borneol và linalool có tác dụng trợ giúp tiêu hóa, trị các chứng rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, nôn mửa, kiết lỵ, viêm gan và viêm ruột kết. Ngoài ra, nó cũng rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh tiêu chảy gây ra bởi các loại vi khuẩn và nấm vì các hợp chất cineole, borneol, limonene, alpha pinene và beta phelandrene hiện diện trong ngò rí có tác dụng chống vi khuẩn rất mạnh.
4. Trị loét miệng
Nhờ vào hợp chất citronelol có khả năng khử trùng mạnh và các hợp chất chống vi khuẩn khác, việc ăn ngò rí thường xuyên giúp cơ thể chống lại các chứng viêm loét miệng. Bên cạnh đó, ngò rí còn giúp bạn có hơi thở thơm tho hơn.
5. Trị bệnh thiếu máu
Thường xuyên ăn ngò rí giúp bổ sung cho cơ thể một lượng lớn các vitamin A, C, B1, B2 và chất sắt, giúp điều trị bệnh thiếu máu một cách an toàn và hiệu quả.
6. Trị bệnh đậu mùa
Tinh dầu ngò rí có chứa chất chống ôxy hóa mạnh mẽ, có tác dụng chống vi khuẩn, chống nhiễm trùng và giải độc cho cơ thể. Ngoài ra, sự hiện diện của vitamin C và chất sắt có trong ngò rí giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó giúp phòng ngừa và trị bệnh đậu mùa một cách hiệu quả. Hơn nữa, ngò rí còn có khả năng làm dịu các cơn đau và giúp bênh nhân bị đậu mùa nhanh phục hồi sức khỏe.
7. Trị rối loạn kinh nguyệt
Ngò rí đặc biệt tốt cho phụ nữ, nhất là những người bị rối loạn kinh nguyệt. Bằng cách kích thích và làm cân bằng các nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ, ngò rí giúp làm dịu các cơn đau bụng kinh và điều hòa kinh nguyệt.
8. Chăm sóc mắt
Ngò rí có chứa nhiều chất chống ôxy hóa, vitamin A, vitamin C và các khoáng chất như phốt pho… giúp ngăn chặn sự lão hóa sớm ở mắt, từ đó giúp phòng ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng và làm dịu căng thẳng cho mắt.
9. Làm đẹp da
Ngò rí rất tốt cho da. Bôi hỗn hợp nước ép từ lá ngò rí trộn với bột nghệ lên mặt có thể giúp trị mụn bọc và mụn trứng cá.
10. Cân bằng đường huyết
Bên cạnh những lợi ích nói trên, ngò rí còn có tác dụng cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể nhờ vào việc kích thích lượng insulin trong máu tăng nhanh hơn.
Ngoài ra, thường xuyên ăn ngò rí còn có thể giúp cơ thể chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi, suy nhược thần kinh, đau dạ dày và điều trị yếu sinh lý ở nam giới.
AloBacsi.vn
Theo Đình Huệ - Phụ nữ online
Theo Đình Huệ - Phụ nữ online
************************************************************
Cây trạch tả mát gan, chữa thiếu máu
Cây trạch tả hay còn gọi là cây vợi, mã đề nước, cây hẹ nước. Tên khoa học là Alisma plantago Aqualica L. họ Trạch Tả (Alismatalaceae).
Là loại cây cỏ thủy sinh, thường mọc thành đám ở ruộng, các ao hồ nước nông, kênh rạch, bờ suối, ruộng trũng có nước quanh năm. Nhân dân nhiều nơi thường lấy cây này dùng làm rau ăn (thân và lá rửa sạch, luộc qua rồi xào hoặc nấu canh ăn).
Gốc và rễ ngập trong bùn, lá mềm hình bầu dục, mọc thành cụm ở gốc. Hoa lưỡng tính mọc trên cuống dài, màu trắng, tím nhạt hoặc trắng đục. Quả hình cầu. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thân rễ (thường gọi là củ) bỏ hết rễ, rửa sạch rồi phơi sấy khô.
Thân củ chế biến phơi hay sấy khô của cây trạch tả (Alisma Plantago-aquatica L var orientalis Samuels), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách "Bản kinh". Củ to tròn chắc, trong trắng hoặc hơi vàng, hơi xốp; không thối, mốc, mọt là tốt.
Đông y cho rằng, trạch tả có vị ngọt, tính hàn, độc, giúp lợi tiểu, trị thủy thũng, lâm lậu, đi lỵ, đi tả…, vào các kinh thận, bàng quang. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi niệu, long đờm dùng chữa các bệnh như phù thũng do thận, ho do viêm họng, giúp mát gan, lợi tiểu...Liều dung mỗi ngày 8 - 16g
Dưới đây là một số phương thuốc theo kinh nghiệm dân gian
* Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu: Trạch tả 12g, sinh địa 15g; long đởm thảo, sơn chi tử, hoàng cầm, sài hồ, mẫu đơn bì, tri mẫu, cúc hoa, mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc trạch tả 15g, bạch truật 6g, cúc hoa 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. uống trong ngày. Dùng trong 7 - 10 ngày.
* Chữa ho do viêm họng: Lá trạch tả 30g, lá húng chanh 30g, gừng tươi 5g. Sắc khoảng 300ml nước còn 50ml. Uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Uống trong 5 ngày.
* Làm mát gan: Trạch tả, bạch phục linh, mẫu đơn bì, sơn thù du, mỗi vị 10g; thục địa và hoài sơn, mỗi vị 12g. Tất cả sao vàng, tán bột chế thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 8- 10 viên. Uống trong 10 ngày.
* Dùng làm thuốc lợi tiểu thông lâm, trị các chứng phù, viêm đường tiết niệu, viêm thận. Chọn 1 trongcác bài sau:
- Trạch tả 10g, Xa tiền thảo 10g, Trư linh 10g, Thạch vỹ 10g, Mộc thông 6g, Bạch mao căn 15g, sắc nước uống.
- Trạch tả, Bạch linh, Trư linh, Xa tiền tử đều 12g, sắc nước uống. Trị viêm cầu thận cấp.
- Trạch tả, Bạch truật đều 10g, Cúc hoa 12g, sắc uống trị viêm thận mạn, váng đầu.
* Trị tiêu chảy do viêm ruột cấp và mạn tính. Chọn 1 trongcác bài sau:
- Bạch truật 10g, Bạch linh 10g, Trần bì 6g, Cam thảo 3g, Trạch tả 10g, Sa nhân 3g, Thần khúc 10g, Mạch nha 10g, sắc nước uống, tùy chứng gia giảm.
- Trạch tả, Trư linh, Xích phục linh đều 10g, Bạch đầu ông 15g, Xa tiền tử 6g, sắc uống trị viêm ruột cấp.
* Hỗ trợ điều trị phù thũng do thận: Lá trạch tả 30g, thân cây sậy 100g, râu ngô 100g. Sắc với 700ml nước, còn 150ml chia uống hai lần trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 10 ngày. Hoặc trạch tả, bạch phục linh, trư linh, hạt mã đề mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
* Hạ sốt do cảm nóng: Lá trạch tả 20g, cỏ mần trầu 25g, lá tre 30g. Các vị thuốc trên đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Dùng trong 2 ngày.
* Trị lipid huyết cao: Tác giả dùng viên Trạch tả chế (hàm lượng thuốc sống mỗi viên 3g), mỗi ngày 9 viên chia 3 lần uống, liệu trình 1 tháng. Kết quả theo dõi 110 ca lipid huyết cao trong đó 44 ca cholesterol cao lượng bình quân từ 258,4mg% hạ xuống còn bình quân 235,2mg%; 103 ca triglycerit tăng từ bình quân 337,1mg% xuống còn bình quân 258,0mg%, bình quân giảm 23,5mg% trong đó số hạ thấp trên 10% chiếm 65%, hạ thấp trên 30% chiếm 40,8%, có 18,4% hạ thấp trên 50% (Báo cáo của Bệnh viện Trung sơn thuộc Viện Y học số 1 Thượng Hải, Báo Y học Trung hoa 1976,11:693).
* Trị chứng huyễn vựng: Tác giả Dương Phúc Thành dùng trạch tả thang gồm trạch tả 30 - 60g, Bạch truật 10 - 15g, ngày 1 thang sắc chia 2 lần uống. Theo dõi 55 ca, uống từ 1 - 9 thang có tùy chứng gia vị kết quả đều khỏi (Tạp chí TrungY Hồ Bắc 1988, 6:14).
Kiêng kỵ: Can Thận hư không thấp nhiệt thì không nên dùng.
AloBacsi.vn
Theo BS Hoàng Xuân Đại - Nông nghiệp
Theo BS Hoàng Xuân Đại - Nông nghiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét