Đông Y - Đau thần kinh tọa,chuối tiêu,hoa ngọc lan

Những bài thuốc chữa đau thần kinh tọa

Đông y quy vùng thắt lưng là phủ của thận, đau thắt lưng là thận yếu. Thận chủ cốt, nghĩa là các loại đau xương khớp đều liên quan đến thận.

 Đau vùng thắt lưng là chứng bệnh thường gặp trong cuộc đời, những người trên 50 tuổi ít nhất cũng bị đau thắt lưng một đôi lần. Đau vùng thắt lưng nếu đau lan xuống mông, mặt sau đùi có thể xuống tới cổ bàn chân thì gọi là đau thần kinh tọa.

Thần kinh tọa là dây thần kinh dài và to nhất trong cơ thể. Mỗi đốt sống chứa phần tủy ở trong cho ra một đôi dây thần kinh - một dây tiếp nhận cảm giác, một dây chỉ huy vận động cân cơ ở vùng tương ứng. Để dễ hình dung ta tưởng tượng: 7 đốt sống cổ sẽ có dây chi phối vùng cổ và tay, đốt sống vùng lưng ngực và bụng sẽ chi phối vùng lưng ngực và bụng, 5 đốt sống vùng thắt lưng chi phối vùng thắt lưng, mông và chân, hoạt động của các tạng vùng hố chậu. Như vậy dây thần kinh tọa do tủy sống thắt lưng tạo nên.


Nguyên nhân đau thần kinh tọa có nhiều nhưng trên 80% là do trật đĩa đệm. Đĩa đệm là đĩa nằm giữa 2 đốt sống, để giúp đốt sống vận động dễ dàng (quay, cúi, ngửa), đĩa đệm có cấu tạo bên ngoài là tổ chức sụn bên trong chứa dịch nhầy. Các nguyên nhân khác như: thoái hóa cột sống, xẹp đốt sống, viêm đốt sống, u đốt sống, lao đốt sống, loãng xương, thủy tinh hóa xương. Một số tổn thương bên ngoài đốt sống gây chèn ép dây thần kinh cạnh đốt sống mà gây đau, kể cả người có thai tử cung lớn dần gây tăng áp tiểu khung, càng về các tháng cuối của thai kỳ lưng càng đau.

Đông y quy vùng thắt lưng là phủ của thận, đau thắt lưng là thận yếu. Thận chủ cốt, nghĩa là các loại đau xương khớp đều liên quan đến thận. Thận tàng tinh, tinh yếu thì cũng đau thắt lưng.

Thận liên quan đến bàng quang, là mối quan hệ tạng phủ - quan hệ âm dương. Kinh bàng quang chạy từ trên mắt qua đầu ra sau gáy rồi chạy 2 đường cách cột sống khoảng 2cm, xuống mông xuống mặt sau đùi, tới gót bàn chân. Như vậy đoạn từ thắt lưng xuống gót chân, bàn ngón chân trùng với đường đi của thần kinh tọa. Thần kinh tọa có nhánh thần kinh cơ bì chạy ở mặt ngoài đùi và cẳng chân.

Trên cơ thể còn có kinh đởm, đường kinh đởm chạy từ trên đuôi mắt lên đầu vòng qua tai ra mạng sườn xuống mông, mặt ngoài đùi và cẳng chân. Như vậy đoạn dưới từ thắt lưng xuống mặt ngoài cẳng chân của kinh đởm gần giống đường đi của thần kinh cơ bì của thần kinh hông.

Cây thục địa

Nên khi phòng bệnh đau thắt lưng, đau thần kinh hông cần chú ý đến phòng bệnh ở thận và phòng bệnh ở đởm. Chữa bệnh đau vùng thắt lưng, đau thần kinh hông cũng có nghĩa là chữa bệnh ở thận và chữa bệnh ở đởm nếu tính chất đau như đã tả trên.

Phòng bệnh ở thận: 

- Từ tuổi nhỏ khi ngồi học cần nhắc trẻ ngồi đúng tư thế, lưng thẳng.

- Không khiêng vác nặng kéo dài, không xách nặng lệch tư thế.

- Nên tập bơi và tập thể thao phù hợp.

- Hạn chế các đè nén nặng đột ngột lên cột sống.

- Không nên quan hệ tình dục quá mức vì “đa dâm bại thận”.

Khi đã đau vùng thắt lưng: Nên tăng cường bơi, hằng ngày tập đứng gập người cúi đầu và chạm 2 tay xuống đất. Hoặc nằm ngửa, duỗi thẳng chân, gấp 2 chân lên bụng, thời gian tập đều và nhẹ nhàng chậm rãi, nên tập ngày 2 lần mỗi lần 30 phút.

Dùng một trong các lá sau rang nóng trải xuống giường rồi nằm đè vùng thắt lưng lên: lá ngải cứu, lá lốt, lá cúc tần, lá náng... cũng có thể rang nóng một trong các lá trên trải lên trên tờ báo, ngồi ngay ngắn đặt hai bàn chân lên, lá nguội rang lại để làm tiếp lần 2, ngày làm 1-2 lần tùy điều kiện.

Thuốc uống có thể dùng một trong các bài sau:

Bài 1: Độc hoạt 12g, đỗ trọng 20g, cẩu tích 20g, ba kích 12g, hoàng kỳ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Độc hoạt 12g, đỗ trọng 20g, phòng phong 12g, hy thiêm 12g, ngưu tất 12g, thổ phục linh 12g, xuyên khung 12g, đương quy 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 8g, kê huyết đằng 12g, xích thược 12g, hồng hoa 10g, độc hoạt 12g, phòng phong 12g, hy thiêm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Sài hồ 12g, bạch thược 12g, độc hoạt 12g, đỗ trọng 20g, thổ phục linh 12g, ngưu tất 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, đương quy 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Cố gắng phòng bệnh đừng để bệnh xảy ra là tốt nhất. Khi đã bị bệnh cũng cần kiêng kỵ điều trị mới kết quả

Theo Sức khỏe & đời sống

************************************************************

Chuối tiêu chữa phế nhiệt, đàm suyễn

Chuối có nhiều loại: chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự và chuối hột. Trong đó chuối tiêu được dùng làm thực phẩm dinh dưỡng và làm thuốc phổ biến hơn cả.

Trong chuối tiêu có chứa tinh bột, các protein, đường, chất béo, canxi, sắt, magiê...; chất xơ và nhiều vitamin B1, B2, E, C... là những thành phần rất cần thiết cho cơ thể con người.

Theo Đông y, chuối tiêu vị  ngọt, tính lạnh, vào vị, đại tràng. Có tác dụng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai. Vỏ quả chuối, củ chuối, nước ép từ thân chuối đều có tác dụng chữa bệnh: vỏ quả chuối chín có vị ngọt, chát, tính ôn; có tác dụng sát khuẩn, chỉ tả. Củ chuối: vị ngọt, lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân hay củ chuối: vị ngọt, chát, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.


Chuối tiêu được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

- Chữa đái ra máu: Củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày.

- Chữa trĩ ra máu: Chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín, ăn trong ngày, dùng nhiều lần.

- Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: Củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Giã nát ép lấy nước, đun ấm để uống.

- Chữa mụn nhọt ở sống lưng, viêm cơ: Củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau.

- Chữa trúng độc do ăn uống: Củ chuối tiêu 200g - 500g, thái miếng, sắc đặc lấy 1 bát nước uống để gây nôn.

- Phòng và chữa viêm loét dạ dày: Chuối tiêu xanh thái lát, phơi hay sấy ở nhiệt độ dưới 50oC, tán bột. Ngày uống 20 - 30g.

- Chữa táo bón, trĩ nội, trĩ nội ngoại xuất huyết: Chuối chín 2 - 3 quả, để cả vỏ luộc chín, cho ăn cả vỏ.

- Viêm khí phế quản ho khan đờm ít dính, táo bón: Chuối chín 2 - 3 quả, đường phèn 100g. Chuối cắt đoạn, thêm đường phèn, đun cách thủy cho chín. Ngày ăn 1 - 2 lần.

- Trường hợp sốt mất nước khát, miệng họng khô, táo bón, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ mỡ động mạch, ho khan đau họng, họng miệng khô khát: Chuối xanh 1 - 3 quả, gọt bỏ vỏ, thái lát ăn với chút muối tiêu. Ngày ăn 1-  2 lần.

Kiêng kỵ: Không dùng nhiều chuối tiêu khi có tiêu chảy, đầy bụng, trướng hơi.

Theo TS. Nguyễn Đức QuangSức khỏe & đời sống
***********************************************************

Hoa ngọc lan trị ho

Theo Đông y, hoa ngọc lan có tính hơi ấm, vị đắng, cay, có tác dụng trị các chứng ho, tiểu khó, đầy hơi, buồn nôn, sốt, tăng huyết áp...


Bộ phận dùng làm thuốc là nụ hoa ngọc lan khi còn chưa nở, thu hái, phơi trong bóng râm đến khô, bảo quản dùng dần.

Dưới đây là một số phương trị bệnh từ hoa ngọc lan.

Chữa trị ho: Hoa ngọc lan 30g, mật ong 40g, cho cả hai thứ vào bát, hấp cách thủy khoảng 20 – 30 phút sau mang ra để ăn.

Chống ho làm long đờm, lợi tiểu tiện: Hoa ngọc lan 15g, hải triết bì 2 mảnh, 1 quả dưa hồng, 1 củ cà rốt, 5 củ tỏi, 15ml dấm trắng, 5ml dầu thơm, 1 thìa xì dầu, 1 thìa đường. Hoa ngọc lan rửa sạch, bóc cánh thái nhỏ. Hải triết bì ngâm, rửa sạch, khử mùi tanh. Dưa rửa sạch, bỏ cuống rồi thái nhỏ. Cà rốt cạo vỏ, thái nhỏ. Trộn các nguyên liệu trên, thêm gia vị, rồi để hoa ngọc lan đã thái nhỏ lên trên, đổ nước đủ dùng, sắc uống ngày 1 thang.

 Hoa ngọc lan
Chữa chứng ho, sưng đau yết hầu:

 Lấy 20g hoa ngọc lan khô đem tẩm với mật ong trong 3 ngày rồi hãm uống như trà. Bài thuốc này có tác dụng chữa chứng ho do nhiễm lạnh, đau đầu, hoa mắt, tức ngực.

Chữa ho gà: Ngọc lan hoa trắng 8 cái, lá chanh 10g, gừng 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống 5 ngày liền.

Chữa viêm phế quản: Ngọc lan hoa trắng 7 hoa, hoa hồng bạch 5 hoa, mật ong 15ml. Tất cả cho vào bát hấp cách thủy, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 – 5 ngày.

Làm nhuận da, kích thích tiêu hóa: 6g hoa ngọc lan, 1 thìa trà xanh. Hoa ngọc lan rửa sạch bằng nước muối, vẩy cho ráo nước, để vào bát. Rót nước sôi vào bát, sau đó cho trà xanh vào. Hãm uống thay trà trong ngày.

Cải thiện thống kinh: Dùng 10g hoa ngọc lan chưa nở sắc uống thay trà vào buổi sáng. Một liệu trình là 30 ngày.

  Theo BS. Hoàng Xuân Đại - Sức khỏe & đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét