Chữa đầy hơi bằng rau răm
Rau răm có tác dụng chữa đau bụng, đầy hơi, hắc lào... Tuy nhiên cần lưu ý không ăn rau răm với thịt gà vì dễ sinh độc cho hệ tiêu hóa.
Rau răm có thể loại bỏ được một số độc tố trong tôm, cá. Theo Đông y, rau răm vị cay, tính ấm, mùi thơm, đặc trưng dễ chịu và không độc. Nó là vị thuốc kích thích tiêu hóa, trị các chứng đau bụng lạnh, đầy hơi, chữa phù thũng, bí tiểu, rắn cắn, trĩ và chàm ghẻ.
Một vài bài thuốc với rau răm:
- Trị chứng hắc lào: Dùng rau răm rửa sạch, giã nát, trộn với rượu bôi lên vùng da bị bệnh.
- Trị rắn cắn: Trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu có thể lấy một nắm nhỏ rau răm rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt cho nạn nhân uống còn bã đắp lên vết thương.
- Trị chứng tiêu hóa kém, đau bụng, đầy hơi: Lấy 15 gr cả thân và lá rau răm, rửa thật sạch, ngâm qua với nước muối loãng rồi ăn sống hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Uống nhiều lần sẽ cho kết quả tốt.
Lưu ý: Rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, mạnh gối, mạnh chân, sáng mắt nhưng ăn nhiều sẽ làm giảm ham muốn tình dục. Không ăn rau răm với thịt gà vì dễ sinh độc cho hệ tiêu hóa.
Theo BS Nguyễn Thu Hiền - Báo Đất Việt
************************************************************
Cá trắm chữa bệnh
Nhà quê tôi hay dùng loại cá trắm. Nghe nhiều người nói cá này có công dụng chữa bệnh. Xin hỏi có đúng thế không?
(hoangtra@...)
Trả lời
Cá trắm là loại cá nước ngọt, giàu dinh dưỡng, thịt mềm. Trong 100 gr cá trắm có khoảng 18 gr chất đạm; 4,3 gr chất béo; 36 mg canxi...
Chất béo trong cá trắm rất tốt cho tuần hoàn máu và tim mạch. Cá trắm còn có tác dụng chống lão hóa, giúp sáng mắt. Mật cá trắm còn là vị thuốc hạ huyết áp, cầm ho. Trong dân gian còn dùng mật cá trắm để chữa ù tai, bỏng (nhưng, lưu ý, mật cá trắm có độc, không thể sử dụng bừa bãi).
Theo Đông y, thịt cá trắm có tác dụng bình can khử phong, chữa tê buốt... Để chữa cảm cúm thì lấy chừng 200 gr cá trắm, một ít gừng tươi thái lát, giấm, gia vị. Cho các nguyên liệu vào nồi nấu chín, nêm nếm gia vị vừa dùng.
Để chữa phù nước, thì dùng một con cá trắm khoảng 1/2 kg, 250 gr đậu phụ, tỏi, rượu trắng, mắm, gia vị. Đánh vảy làm sạch cá trắm, cắt thành từng miếng vừa dùng. Đậu phụ cắt miếng vuông nhỏ, cho vào chảo rán vàng để sẵn. Cho cá vào chảo khác rán qua, nêm mắm, muối, gia vị, cho nước vào đun sôi cho cá chín thì cho đậu phụ vào, nấu tiếp với lửa nhỏ, cho tỏi vào, tắt lửa.
Để chữa viêm dạ dày mãn tính thì dùng một con cá trắm như trên làm sạch, rồi cùng một ít gừng tươi, gia vị nấu chín và dùng.
Theo Lương y Quốc Trung - Thanh Niên
**********************************************************
Rượu ngâm rắn: Rắn càng độc càng tốt?
Rượu ngâm rắn nuôi được bày bán rất sẵn nhưng nhiều người lại thích rắn tự nhiên. Vậy thực tế rắn nào tốt?
Chung một nguồn gen
Nhiều người cho rằng, rắn nuôi ăn sạch, ít bệnh tật, công thức ngâm rượu lại được nghiên cứu kỹ, rượu được đăng ký chất lượng, được kiểm tra an toàn... nên mua về sử dụng sẽ tốt và an toàn hơn rắn tự nhiên. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, rượu ngâm rắn phụ thuộc vào chất lượng rắn. Thông thường rắn tự nhiên thường tốt hơn rắn nuôi bởi thể chất hoàn thiện hơn.
Theo các chuyên gia, không nên coi rượu rắn là rượu bổ
Tuy nhiên, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật Việt Nam cho biết, thịt, rượu rắn hiện nay chủ yếu là do nguồn nuôi. Rắn tự nhiên rất ít. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng về cơ bản các chất trong rắn tự nhiên và rắn nuôi tương đồng nhau, chỉ có sự sai khác chút ít không đáng kể.
Rắn nuôi cũng xuất phát từ rắn tự nhiên, có nguồn gen tốt. Khi chăn nuôi người ta cũng nghiên cứu kỹ các tập quán, đặc điểm sinh thái, thức ăn... và làm gần với tự nhiên để giúp rắn đảm bảo tăng trưởng tốt.
Không phải càng độc càng tốt
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, nhiều người cho rằng, rắn càng độc càng tốt nhưng thực tế, rắn cực độc như cạp nia ít được dùng ngâm rượu. Để ngâm rượu rắn, người ta thường dùng 3 loại rắn (tam xà) hoặc 5 loại rắn (ngũ xà). Có hai cách ngâm rượu là ngâm tươi hoặc chặt khúc sấy khô nhưng ngâm tươi cả con tốt hơn vì còn cả hệ thống vân mạch, trường hợp dùng khô là bất đắc dĩ.
Để tăng thêm hiệu quả của rượu rắn, tốt nhất là ngâm rắn với các vị thuốc tùy theo mục đích sử dụng như thiên niên kiện, cẩu tích, ngũ gia bì, hà thủ ô là các vị thuốc chữa đau lưng, tê thấp, nhức xương. Kê huyết đằng bổ máu, huyết giác làm cho thông máu, lưu thông máu. Trần bì, tiểu hồi tạo mùi thơm cho rượu và có tác dụng khai vị tiêu thực.
Y học cổ truyền cho rằng, thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, rượu rắn chỉ có tác dụng với bệnh đau xương khớp thuộc phong tê thấp chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương như nhiều người lầm tưởng. Trên thực tế, những người còn trong độ tuổi sinh đẻ không nên uống rượu rắn, nếu lạm dụng rượu rắn lại còn làm cho "cái ấy" yếu đi, thậm chí không còn khả năng sinh con nữa.
Các chuyên gia đều khuyên, tuyệt đối không nên coi rượu rắn là rượu bổ và không phải ai cũng dùng được loại rượu này. Đây là rượu thuốc nên chỉ được dùng mỗi ngày 30 - 50ml, không quá 60ml. Dùng sau khi ăn no. Không dùng trước khi đi ngủ vì gây mất ngủ. Phụ nữ có thai và trẻ em không được dùng rượu rắn.
Đặc biệt, với những người bệnh suy thận, tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch không nên sử dụng rượu và thịt rắn vì trong đó còn một hàm lượng độc tố nhỏ. Nếu ngâm rắn toàn tính thì phần nọc rắn nằm ở hai bên bành rắn (phần sát với cổ) vẫn còn nguyên. Nọc rắn nếu uống dù chỉ một lượng nhỏ cũng rất độc, có thể dẫn tới tử vong.
Thế nhưng, khi ngâm rượu thì nó tự dung hòa với các chất khác trong cơ thể rắn vào trong rượu để lượng độc tố giảm bớt hoặc không gây nguy hiểm cho những người sức khoẻ bình thường. Với người thận yếu sẽ không thể phân giải độc tố này và khiến cho thận nhanh suy yếu hơn, đồng thời chạy vào tim và có thể làm tim ngừng đập nhanh chóng.
Theo Thúy Nga - Khoa học và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét