Vị thuốc lạ từ sấu
Chữa ho, viêm họng, viêm thanh quản: Cùi quả sấu 4-6g, ngâm muối hoặc sắc nước, thêm đường phèn...
Sấu có tên gọi là Sấu đắng hay Long cóc, thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae). Mùa hoa vào tháng 5-7, mùa quả vào tháng 8-10. Sấu ra hoa quả nhiều hàng năm. Sấu vừa mọc hoang dại, vừa được trồng. Tái sinh chủ yếu từ hạt.
Trong tự nhiên, có những cây Sấu hàng trăm năm tuổi, cao đến 600m. Ở các đô thị lớn, cây Sấu được trồng dọc theo 2 bên đường vừa tạo cảnh đẹp, vừa lấy bóng mát, vừa có trái ăn. Chủ yếu Sấu được trồng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, Sấu cũng có ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tây nguyên.
Tại thủ đô Hà Nội, phố Phan Đình Phùng có những hàng Sấu đã ngót 100 tuổi, phố này còn được gọi là "Phố sấu". Quả Sấu chín có giá trị dinh dưỡng như sau: Nước 80%, Acide hữu cơ 1%, Protide 1,3%, Glucide 8,2%, Celulose 2,7%, Canxi 100mg%, Photpho 44mg%, Vitamin C 3mg%.
Tính vị công năng:
Quả sấu có vị chua, ngọt, hơi chát, mùi thơm, đặc trưng, tính mát. Có tác dụng kiện tỳ, tiêu thực sinh tân, chỉ ho, tiêu đờm.
Bộ phận dùng để làm thuốc: quả, hoa lá, vỏ của thân và rễ cây sấu. Quả sấu có công dụng giải nhiệt, chỉ khát dùng khi miệng khô, ngứa cổ, ho, nổi mề đay, lở ngứa, sưng tấy.
Cách sử dụng: mỗi lần 4-6g cùi (thịt) quả sấu. Sắc nước, hâm sôi hoặc dùng sống với muối đường.
Hoa sấu: chữa ho, dùng hoa sấu cùng với mật ong chưng cách thủy uống trong ngày, đặc biệt dùng chữa ho cho trẻ em rất tốt.
Lá sấu: lá sấu rửa sạch, sắc lấy nước để chữa mụn loét, hoại tử, vết thương lâu lành.
Vỏ rễ: trị sưng, viêm tuyến sữa, áp xe vú.
Ngoài ra, trong cuộc sống thì sấu xanh thường được sử dụng nấu ăn có tác dụng như những món ăn - bài thuốc rất quen thuộc. Khi luộc rau muống, người dân Bắc bộ hay dùng sấu xanh đánh dấm nước canh bằng vài quả sấu xanh, khiến nước canh có vị chua, ngọt dịu mát làm giải nhiệt và tăng cường tiêu hóa lại rất ngon miệng. Sấu làm ô mai, sấu hấp với đường, sấu ngâm đường làm nước giải khát hương vị thơm dễ chịu.
Bài thuốc có sấu:
1. Chữa nhiễm độc thai nghén: Quả sấu (9 quả sấu xanh già quả) nấu với cá diếc hay thịt vịt ăn trong ngày. Sử dụng 3-7 ngày thay canh.
2. Chữa ho, viêm họng, viêm thanh quản:
- Cùi quả sấu 4-6g, ngâm muối hoặc sắc nước, thêm đường phèn hay mật ong rồi uống. Ngày 2-3 lần.
- Hoa sấu 8-20g sắc uống ngày 2 lần, uống nóng đối với trẻ em nên cho thêm mật ong hay chưng cách thủy hoa sấu với mật ong, chữa ho rất tốt.
Theo aFamily
************************************************************
Món ăn, bài thuốc trị dị ứng
Đôi khi dị ứng chỉ là những vết mày đay khó chịu trên da nhưng cũng có lúc gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
Dị ứng có 2 thể cấp tính và mãn tính. Dị ứng cấp tính thường có liên quan đến cơ địa; do dùng những thức ăn không tươi, nhất là với cá, tôm, cua, trứng không đảm bảo an toàn vệ sinh, do uống rượu; hoặc vì bên trong có nhiệt, cảm phong hàn, gió nóng, hoặc vì ra mồ hôi nhiều.
Cũng có thể do dùng thuốc uống, thuốc tiêm dẫn đến quá mẩn gây ra. Còn dị ứng mãn tính, thường vì gan không khỏe, suy yếu lâu hóa nhiệt, hoặc vì có bệnh mãn tính như ký sinh trùng ở ruột, viêm thận, viêm gan, kinh nguyệt không đều...
Một vài phương thuốc
Những người hay bị dị ứng ngoài da, có thể dùng các món ăn bài thuốc dưới đây để chữa trị:
- Dùng 100g lá hoa đỗ quyên còn tươi rửa sạch đem sắc (nấu) lấy nước dùng (uống) và rửa bên ngoài.
- Đậu xanh, đậu tương (mỗi loại cùng 100g) đem nghiền nhỏ, rồi cho cùng nước vào nồi nấu chín, cho đường vào để dùng hết trong ngày.
Đậu xanh - Ảnh: Đ.N.Thạch
- Vỏ bí đao (khoảng 20g), hoa cúc vàng 15g, thược dược đỏ 12g và một ít mật ong vừa dùng. Lấy vỏ bí đao, hoa cúc vàng, thược dược đỏ cho vào nồi, đổ nước vào nấu để lấy nước, rồi cho mật ong vào. Mỗi ngày uống 1 lần, dùng 7 ngày là một liệu trình. Phương thuốc này có tác dụng trừ gió thanh nhiệt, phòng chữa dị ứng ngoài da.
- 150g lá hẹ, 50g lá hành, rượu trắng 30 ml, đem cả 3 nấu với nước, chia làm hai lần dùng trong ngày.
Hẹ - Ảnh: Minh Khôi
Hành lá - Ảnh: K.Vy
- Thân cây đu đủ 30g, đem nấu lấy nước dùng trong ngày.
- Dùng 10g hoa quế nấu lấy nước uống.
- Lá khổ qua, lá mướp, nước mật của cá trắm đen, cây cải dầu vừa đủ. Lấy lá khổ qua và lá mướp phơi khô, cắt nhỏ và nghiền thành bột nhỏ, rồi trộn cùng với mật cá trắm đen, sau đó trộn đều với cây cải dầu đắp lên vùng da bị dị ứng.
- Vỏ táo chua, vỏ nhãn (lượng bằng nhau) đem sắc lấy nước rửa chỗ da bị dị ứng.
- Dùng lá trà (chè), vỏ cam, cam thảo, nấu lấy nước để rửa vùng da bị dị ứng.
Theo Lương y Quốc Trung - Thanh Niên
***********************************************************
Dưa bở chữa mất ngủ
Theo Đông y thì dưa bở có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng giải khát, trừ phiền, thông khí, lợi tiểu, ăn dưa bở có thể phòng ngừa được cảm nắng
Nước ta có nhiều loại dưa khác nhau, nhưng quả dưa bở ngoài khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể còn có tác dụng giải khát, thanh nhiệt song lại là một vị thuốc sử dụng chữa trị được nhiều bệnh.
Theo Đông y thì dưa bở có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng giải khát, trừ phiền, thông khí, lợi tiểu, trong những ngày hè nóng bức ăn dưa bở có thể phòng ngừa được cảm nắng.
Hạt dưa có vị ngọt, tính mát, tác dụng điều hòa trong bụng, thanh phế, nhuận tràng, trị được các chứng kết tụ sinh máu mủ ở tràng vị, chữa ho khan hay đại tiện táo bón...
Hoa dưa bở chữa nấc, đau tim... còn lá tác dụng trị mất kinh ở phụ nữ. Cuống dưa bở có vị đắng, tính lạnh, có độc, tác dụng gây nôn và thông đại tiểu tiện, giải độc, chữa sốt phát cuồng, sốt rét cơn...
Để tham khảo và áp dụng, sau đây xin giới thiệu vài phương thuốc trị liệu từ dưa bở.
- Chữa mất ngủ: Dưa bở 200g, hạt sen 100g, hoa nhài 20g, đường trắng 200g. Cho hoa nhài vào nước đun thật kỹ, sau gạn lấy 300ml nước sắc hoa nhài, hạt sen giã nhỏ, rồi cho tất cả vào nồi, đun nhỏ lửa, khuấy đều tay cho đến khi thấy hạt sen đã chín nhừ thì cho đường vào trộn đều để đường tan hết là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.
- Chữa táo bón: Hạt dưa bở 10g, khoai lang 30g, đường đỏ 10g. Giã nhỏ hạt dưa bở cùng khoai lang rồi cho vào 250ml nước đun nhỏ lửa, khi khoai chín cho đường vào trộn đều là được. Cần ăn vào buổi sáng sớm, khi mới ngủ dậy, ăn liền trong 5 buổi sáng bệnh sẽ khỏi.
- Chữa ho khan, táo bón: Hạt dưa bở mỗi lần ăn 10g, ngày ăn 2 lần.
- Chữa đau tim, ho nấc: Hoa dưa bở 8g, sắc lấy nước uống ngày 1 lần.
- Chữa vô kinh: Lá dưa bở 20g, sử quân tử 20g, cam thảo 20g. Tất cả tán nhỏ uống với rượu mỗi lần 8g hoặc sắc uống.
- Gây nôn, chữa sốt phát cuồng, sốt rét cơn: Cuống dưa bở 4-8g, sắc lấy nước uống nôn mửa ra đờm là khỏi bệnh.
- Giải ngộ độc: Cuống dưa bở 1g, đậu đỏ hạt nhỏ 3g, tán nhỏ cả hai vị này trộn lẫn, chiêu với nước sôi nguội hay uống bằng nước sắc đậu sị (nước sắc đậu đen) sẽ có tác dụng giải độc mạnh hơn.
Lưu ý: Khi uống nước thuốc này sẽ có tác dụng gây nôn, giúp bệnh nhân nôn ra hết chất độc còn lưu trong dạ dày, do vậy uống liều như vừa nêu trên mà không thấy gây nôn được có thể tăng liều hơn một chút sẽ hiệu quả.
Hoặc sử dụng cuống dưa bở tán nhỏ vắt lấy nước cốt uống cũng có tác dụng.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét