Cách chữa đau mắt đỏ bằng cây lá vườn nhà
Các loại cây cỏ, hoa lá vườn nhà sẽ trở thành phương thuốc hữu hiệu, chữa được bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng.
Theo y học hiện đại, đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, do virus gây ra, thường gặp nhất là các chủng như adeno và entero.
Cây rau dấp cá có thể dùng để chữa đau mắt. Ảnh minh họa
Bệnh gây thành dịch ở những nơi có sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, trường học. Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, nước bọt hoặc dịch tiết của người bệnh (ho, hắt hơi, nói chuyện trực tiếp, bắt tay, dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt...).
Dấu hiệu nhận biết bệnh là người mắc có biểu hiện như có dị vật trong mắt, nóng, chói mắt nên sợ ánh sáng. Mi mắt sưng húp, kết mạc đỏ như máu, có nhiều dử, hay chảy nước mắt. Nếu có viêm giác mạc thì thị lực giảm, nhìn mờ.
Để giảm bớt mối lo ngại về đau mắt đỏ khi đã lỡ mắc phải, Chất lượng Việt Nam sưu tầm và giới thiệu một số bài thuốc dân gian bằng cây cỏ, hoa lá vườn nhà giúp chữa bệnh đau mắt đỏ.
- Kim ngân hoa, lá dâu mỗi thứ 16 g, kinh giới, chi tử, cúc hoa mỗi thứ 12 g, hoàng đằng 8 g, bạc hà 6 g, cam thảo 4 g. Ngày 1 thang, sắc uống làm 2 lần.
- Kim ngân hoa 16 g, liên kiều, ngưu bàng tử, hoàng cầm mỗi thứ 12 g, chi tử 8 g, bạc hà, cát cánh mỗi thứ 6 g. Ngày 1 thang, sắc uống làm 2 lần.
- Lá dấp cá 100 g, sài đất, bồ công anh mỗi thứ 50 g. Tất cả dùng lá tươi, rửa sạch, giã nát, hòa nước ấm, chắt ra uống, ngày 2-3 lần.
Kim Ngân hoa có thể dùng chữa đau mắt đỏ. Ảnh minh họa
- Lá trầu không 50 g, rửa sạch, đổ nước đun sôi, xông hơi ngày 2 lần.
- Lấy cây sống đời (cây bỏng) rửa sạch, giã nhỏ (dụng cụ cần được tẩy trùng sạch), lấy một miếng gạc đã tiệt khuẩn (hoặc vải màn sạch) đặt lên mắt, đặt dung dịch lá sống đời vừa bào chế lên trên miếng gạc rịt chặt, nhất là về đêm để khi ngủ không rơi. Mỗi tối làm 1 lần cho đến khi khỏi.
- Hạt thảo quyết minh (hạt muồng) sao vàng; bông cúc vàng (cam cúc) mỗi thứ 1 nắm; quả bạch tật lê 10g. Cho tất cả vào đun uống như nước chè.
- Bồ ngót tươi 50g, lá dâu 30g, cà gai 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g, cỏ xước 30g. Nấu với nước cho sôi sắc lại, uống suốt ngày.
- 6 đọt dâu tằm, 3 bông cúc trắng, 10 lát củ sả, 3 lát gừng sống, 1 muỗng đậu xanh giã nát sắc lấy nước uống.
- Rễ tranh, cỏ mực, rau má, cây muồng, cây ké, cỏ mần trầu, vỏ quýt, cam thảo đất mỗi thứ 1 nắm (khoảng 30g). Đổ ngập nước sắc lại còn 2 chén, chia làm 2 lần uống hết trong ngày.
AloBacsi.vn
Theo Nguyễn Nam- Chất lượng Việt Nam
Theo Nguyễn Nam- Chất lượng Việt Nam
************************************************************
Cây gai, thuốc an thai
Đông y cho rằng cây gai có vị ngọt đắng, tính mát, đi vào hai kinh tâm, thận; thường dùng để trị các bệnh đường tiểu như: Bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu...
Cây gai còn có tên gọi là trữ ma, tầm ma, tầm gai, cây gai bánh. Với tên khoa học Boehmeria nivea (L) Gaud, (Urtica nivea L), họ Gai (Urticaceae), là loài bản địa của Đông Á. Đây là cây mà dân gian vẫn dùng lá làm bánh gai ăn và sợi để dệt làm lưới đánh cá. Tại Việt Nam, người Kinh lấy lá cây này chủ yếu dùng để làm bánh gai, bánh ít.
Cây thường mọc hoang. Có thể trồng bằng gốc hay giâm cành vào mùa xuân. Loại cây sống lâu năm, có thể cao tới 1,5 - 2m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7 - 15cm, rộng 4 - 8cm, mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên có màu lục sẫm, ráp, có 3 gân từ cuống phát ra.
Lá và rễ cây này đều dùng làm thuốc. Lá bánh gai thu hái vào mùa hè, phơi khô, tán bột để làm bánh. Thân cây có sợi dừng để dệt bao bố.
Đông y cho rằng cây gai có vị ngọt đắng, tính mát, đi vào hai kinh tâm, thận; thường dùng để trị các bệnh đường tiểu như: Bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu, còn dùng để cầm máu và trị động thai.
Rễ được gọi là trữ ma căn, hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất là vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô. Rễ có vị đắng, tính hơi hàn, quy kinh tâm, thận.
Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông lâm, an thai. Dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái rắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10 - 20g.
Để có thể ứng dụng, dưới đây là một số cách dùng cây gai chữa bệnh.
* An thai: Rễ cây gai mới hái hoặc phơi khô 30g sắc với 600ml nước, cô làm 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Chỉ 1 - 2 ngày là có kết quả, không nên kéo dài.
* Dưỡng huyết an thai: Trữ ma căn tươi 50g, hồng táo 10 quả, gạo nếp 100g; sắc trữ ma căn lấy nước nấu với gạo và hồng táo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ra ăn vài lần trong ngày.
* Trị động thai: Rễ gai mới lấy hoặc đã phơi khô 30g, sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống 1 - 2 ngày sẽ đỡ.
* Trị phụ nữ có thai ra huyết dọa sảy, có thai bị đau bụng: Rễ gai tươi 4 phần, tía tô 1 phần, lá ngải cứu 1 phần (mỗi phần 12g), sắc với nước uống trong ngày.
* Trị có thai bị đau bụng, động thai: Rễ gai 2 phần, cành tía tô 2 phần (mỗi phần 4g), băm nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước, cỡ còn 100ml uống hết 1 lần trong ngày. Nếu có rỉ máu thì cho thêm 10g lá huyết dụ.
* Trị sa tử cung: Rễ gai khô 30g sắc với 600ml nước, uống nhiều lần trong ngày. Uống liền 3 - 4 ngày.
* Cầm máu vết thương: Lá gai tươi rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương, băng lại.
* Làm cầm máu: Trong dân gian, khi muốn cầm máu vết thương, người ta rửa sạch lá, giã nát, đắp vào, thấy có tác dụng cầm máu tốt.
Trong y lý của Đông y, máu màu đỏ thuộc hỏa, lá gai khi giã nát có màu đen thuộc hành thủy. Trong ngũ hành, thủy khắc hỏa cho nên lá gai có thể cầm được máu.
Song theo dược lý hiện đại, lá gai có chlorogenic acid, flavonoid rhoifolin, apogenin. Chlorogenic acid thủy phân cho acid cefeitannic và quinic; do đó lá bánh gai có tính cầm máu.
* Làm lợi tiểu: Rễ và lá trung bình 10 - 30g sắc với nước uống.
* Trị tiểu buốt, tiểu rắt, sạn thận: Theo sách Nam dược thần hiệu (Tuệ Tĩnh) kết hợp rễ gai, hoa mã đề và hành; sắc nước uống.
* Trị đại, tiểu tiện ra máu: Lấy 15 - 20g lá gai sắc nước uống trong ngày.
* Trị phong thấp đau nhức các khớp: Rễ cây tầm gai (trữ ma căn), 50g, ngâm với 1 lít rượu trong 1 tuần. Sau đó, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml.
* Trị tay chân tê mỏi: Rễ cây gai 15 - 20g, sắc uống trong ngày.
Chú ý: Không phải bệnh thực nhiệt không dùng. Nếu khi làm bánh gai mà không có lá gai như vậy là bị thiếu chlorogenic chứa trong lá gai nên bánh chỉ để vài ngày là mốc.
AloBacsi.vn
Theo BS Hoàng Xuân Đại - Nông nghiệp
Theo BS Hoàng Xuân Đại - Nông nghiệp
************************************************************
Cây điền thất trị bệnh khớp
Cây điền thất có nhiều tên gọi như cây cốt khí, hổ trượng căn, han trượng căn… Là loại cây nhỏ, sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao từ 1 - 2m.
Cây điền thất
|
Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm tím hồng. Lá mọc so le, có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn. Cuống dài 1 - 3cm. Bè chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng. Hoa đực có 8 nhị. Hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô có 3 cạnh màu nâu đỏ.
Cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi Sa Pa (Lào Cai), được trồng bằng củ và rất dễ mọc. Mùa thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 8 - 9 hoặc tháng 2 - 3. Bộ phận dùng làm thuốc là củ, rễ. Khi thu hái đào lấy củ, cắt bỏ rễ con để riêng, rửa sạch đất, cắt thành từng mẩu ngắn hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô.
Ngoài tác dụng làm thuốc hiện nay nhiều nơi trồng để làm cây che phủ đất, chống xói mòn vùng miền núi, trồng xen phụ trợ cho nhiều loại cây trồng khác trong nông lâm nghiệp rất có hiệu quả được nhiều dự án trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ phát triển.
Bài thuốc thường dùng
Chữa đau nhức gân xương khớp, đau gối khi thời tiết thay đổi: Rễ điền thất 20g, rễ tầm soọng 20g, rễ cỏ xước 20g, lá lốt 20g, cam thảo dây 20g, dây đau xương 20g. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 tuần.
Hoặc rễ điền thất 12g, rễ gối hạc 12g, mộc thông 20g, lá bìm bìm 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.
Hỗ trợ điều trị viêm gan A cấp tính: Rễ điền thất 15g, chút chít 15g, lá móng 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 4 tuần.
Trị táo bón: Củ điền thất 30g. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Chữa vết thương bầm tím do ngã: Củ điền thất 20g, lá móng 30g, sắc với 300ml nước còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày, mỗi lần uống hòa thêm 20ml rượu.
Để bài thuốc hiệu quả, nhiều trường hợp có thể phải phối hợp với các vị thuốc khác vì vậy, khi áp dụng tốt nhất đến cơ sở y tế để được tư vấn và bốc thuốc.
AloBacsi.vn
Theo Lương y Hữu Đức - Sức khỏe & Đời sống
Theo Lương y Hữu Đức - Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét