Đông Y - cây sả,cá chạch,ký sinh cây dâu

Cây sả - Sát khuẩn, chống viêm

Sả có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm...

Sả được trồng khá phổ biến ở nông thôn, nhất là trong các vườn thuốc gia đình và trạm y tế xã, từ đồng bằng đến miền núi. Cây còn được phát triển ở quy mô nông trường tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Tây Ninh để cất tinh dầu xuất khẩu.

Trong thực phẩm, sả là một gia vị quen thuộc được dùng ăn sống hoặc tẩm ướp cho thơm các món ăn được chế biến từ thịt lợn, thịt chó. Trong y học, sả có hai tác dụng: phòng và chữa bệnh.

Về phòng bệnh, người dân miền sơn cước thường lấy nõn sả muối dưa ăn để phòng ngừa sơn lam chướng khí, sốt rét ngã nước. Phụ nữ lại lấy lá sả nấu nước gội đầu làm thơm, sạch gàu, trơn tóc, tránh những bệnh về tóc và da đầu. Người dân trồng cây sả quanh nhà ngoài vườn, xung quanh nhà vệ sinh để xua đuổi ruồi, muỗi, dĩn, bọ chét vừa làm sạch môi trường, vừa có tác dụng phòng bệnh. Ngoài ra, tinh dầu sả còn khử mùi hôi trong công tác vệ sinh.


Về chữa bệnh, trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, sả được dùng với tên thuốc là hương mao hay hương thảo. Dược liệu có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm.

Lá: Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa bụng trướng, chân tay gầy gò: Lá sả 12g; vỏ bưởi, hồi hương, trạch tả, mộc thông, cỏ bấc, mỗi vị 10g; quế 5g; bồ hóng, diêm tiêu, mỗi vị 2g; xạ hương 0,05g. Tất cả sắc cách thủy với 200ml nước trong 15-30 phút, rồi uống làm hai lần trong ngày. Kiêng ăn cơm nếp và muối mặn. Nên ăn vài khẩu mía trước khi uống thuốc để tránh khé cổ.

Thuốc xông giải cảm: Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hoặc lá bạch đàn (có thể thêm tía tô, bạc hà, kinh giới), mỗi thứ 50g, cho vào nồi, đậy kín, đun sôi trong 5-10 phút. Lấy ra, mở vung, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi, lau khô, rồi uống một bát nước thuốc, đắp chăn, nằm nghỉ.

Chữa phù nề chân, tiểu ít, thấp thũng: Lá sả 100g, rễ cỏ xước, rễ cỏ tranh hoặc bông mã đề, mỗi thứ 50g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày.


Rễ: Dùng riêng, lấy rễ tươi giã nát, xát vào vết chàm chữa chàm mặt ở trẻ em.

Dùng phối hợp:

Chữa tiêu chảy: Rễ sả 10g; củ gấu, vỏ rụt, mỗi vị 8g; vỏ quýt, hậu phác, mỗi vị 6g; sắc uống. Hoặc rễ sả 10g, búp ổi 8g, củ riềng già 8g, thái nhỏ, sao qua, sắc đặc uống.

Chữa đau dạ dày - tá tràng: Rễ sả sao 10g; cám gạo rang cháy 10g; hương phụ sao 8g; hậu phác tẩm nước gừng, sao 6g; thạch xương bồ, củ riềng nướng, mỗi vị 4g; dạ dày lợn sấy khô giòn 1 cái. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 12g với nước ấm.

Chữa ho: Rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát, ngâm rượu 40o vừa đủ để được 200ml); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 500g; mạch môn bỏ lõi 300g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô đặc lại thành 300ml cao lỏng). Trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10ml.

Dùng ngoài, rễ sả thái nhỏ, phơi khô, tán bột trộn với phèn phi rồi bôi để chữa loét lợi, hôi nách.

Tinh dầu: Chiết được từ lá và rễ sả được dùng uống, mỗi lần 3-6 giọt pha trong sữa và nước thành nhũ tương, có tác dụng thông trung tiện, chống nôn, giảm đau, chữa đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Ở một số nước châu Âu, nước sả có đường là một loại đồ uống giải khát, thanh nhiệt được nhiều người ưa thích.

Dùng ngoài, tinh dầu sả phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác để xoa bóp làm giảm đau xương, đau mình, nhức mỏi. Bôi trên da hoặc phun trong nhà, dầu sả là thuốc diệt muỗi, dĩn, bọ chét.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Ấn Độ, sả được dùng để làm thơm thức ăn, nước hãm lá sả để giải khát. Ở Indonesia, rễ sả phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa bệnh vàng da dưới dạng nước sắc; dùng nước này súc miệng hằng ngày để chữa đau răng.

Theo TTƯT.DS.CK2 Đỗ Huy Bích - Sức khỏe & Đời sống

************************************************************

Cá chạch và vị thuốc ngư

Làm sạch cá, rửa cho hết nhớt, cắt bỏ đầu và đuôi, chặt từng khúc rồi nấu cháo hoặc làm canh ăn đều hằng ngày.

Cá chạch (Misgurnus anguillicaudatus Cantor) thuộc họ cá chạch (Cobitidae), tên khác là cá chạch bùn, cá chạch đồng, là loài cá nước ngọt. Thân tròn, dẹt bên, nhất là gần đuôi, dài khoảng 150mm. Đầu nhỏ, hơi tròn, mắt bé, miệng thấp có râu. Da mỏng, dưới da có nhiều tuyến tiết chất nhờn, nên rất trơn nhẵn. Vảy nhỏ, lẫn sâu dưới da nên khó thấy. Vây lưng không có gai cứng, vây ngực và vây bụng ngắn, vây đuôi rộng. Cá có màu vàng, nâu hoặc xám đen. Lưng sẫm hơn bụng. Trên thân có nhiều chấm, mỗi chấm do rất nhiều chấm nhỏ hợp thành. Ở gốc vây đuôi, có một chấm to màu đen, trên vây có nhiều sọc đen song song.

Cá chạch suối (Noemacheilus pulches) cũng được sử dụng.


Bộ phận dùng làm thuốc của cá chạch là thịt. Trong 100g thịt cá có 9,6g protid, 3,7g lipid, 2,5g carbohydrat, 28mg Ca, 72mg phosphor, 0,9mg sắt; các vitamin A, B1, B2 và acid nicotinic.

Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, cá chạch được dùng với tên thuốc là thu ngư hay du ngư, nê thu. Sách Dược tính chỉ nam ghi: thu ngư rang hay nấu đều ăn rất ngon, nấu với bột gạo thành cháo mà ăn có tác dụng điều trung, ích khí, chữa được chứng trĩ, lại giải được chứng háo khát và làm cho những người say rượu tỉnh ngay.

Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) và Hải Thượng Lãn Ông (Lĩnh nam bản thảo) cũng ghi dược liệu thu ngư (cá chạch) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng mạnh dương, bổ khí huyết, tiêu khát, giải rượu, sát khuẩn, chữa nóng trong, khát nước, liệt dương, viêm gan, trĩ, ghẻ lở.

Dạng dùng thông thường là thức ăn - vị thuốc được chế biến như sau: làm sạch cá, rửa cho hết nhớt, cắt bỏ đầu và đuôi, chặt từng khúc rồi nấu cháo hoặc làm canh ăn đều hằng ngày. Có thể đem cá sấy khô, tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.

Theo DS Hữu Bảo - Sức khỏe & Đời sống

***********************************************************

Những vị thuốc từ ký sinh cây dâu

Những sản phẩm ký sinh trên cây dâu tằm được dùng làm thuốc từ lâu trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.

Cây dâu (dâu tằm) thường hay bị ký sinh bởi một loài thực vật – cây tầm gửi gọi là tang ký sinh hoặc những côn trùng như bao trứng con bọ ngựa (tang phiêu tiêu) và ấu trùng con xén tóc (tang đố trùng). 

Theo sách thuốc cổ Nam dược thần hiệu, tang đố trùng nấu với gạo nếp thành cháo, ăn làm 3 lần trong ngày chữa nốt đậu nung mủ không đầy.

Tang ký sinh, thu hái quanh năm, tốt nhất khi cây chưa có hoa, đem về, bỏ rễ, cắt ngắn, phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ cho khô. Khi dùng, có thể tẩm rượu, sao qua. Dược liệu có vị đắng, tính bình, không độc, có tác dụng bổ gan thận, lợi khí huyết, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

- Chữa đau xóc hai bên hông: Tang ký sinh 30g, để tươi, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước, gạn lấy một bát, uống vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).

- Chữa đại tiện ra máu, lưng gối đau: Tang ký sinh phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn mỗi lần uống 4g với nước ấm. Ngày 2-3 lần.

- Chữa tăng huyết áp: Tang ký sinh 16g, chi tử, câu đằng, ngưu tất, ý dĩ, mã đề, mỗi vị 10g; xuyên khung, trạch tả, mỗi vị 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Cây dâu tằm - ảnh minh họa

Hoặc tang ký sinh 16g, đỗ trọng 14g, thạch quyết minh 20g, dạ giao đằng 16g, ích mẫu 16g, phục linh 12g, ngưu tất 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, thiên ma 8g. Nếu nhức đầu, thêm cúc hoa vàng 16g, mạn kinh tử 12g; nếu ít ngủ, thêm toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g. Tất cả sắc uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa chân tay tê bại, tắc tia sữa: Tang ký sinh 16g, ngưu tất 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống ngày một thang.

- Chữa đau bụng, động thai: Tang ký sinh 16g, cao ban long 10g (nướng cho thơm), lá ngải cứu 10g. Sắc uống làm 2-3 lần trong ngày.

- Chữa ho ra máu: Tang ký sinh 16g, thài lài tía 16g, rễ chuối hột 10g, rễ cỏ tranh 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa đau lưng: Tang ký sinh 16g, cẩu tích 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống trong ngày.

- Chữa suy nhược thần kinh: Tang ký sinh, thục địa, hoài sơn, hà thủ ô, kim anh, liên nhục, mỗi vị 12g; quy bản, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Tang phiêu tiêu (tổ bọ ngựa, ổ cào cào đeo dâu), thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 1. Tổ có hình cầu hoặc hình trứng hơi dài, dẹt ở phía trên, đầu múp, hạt có lỗ và mỏ nhọn, dài 2-5cm, rộng 1-3cm, màu nâu vàng đến nâu sẫm, mặt ngoài có nhiều nếp xếp ngang tương ứng với những ngăn hẹp bên trong chứa đầy trứng. Khi dùng, đem đồ khoảng nửa giờ cho chín trứng bên trong, nướng vàng hoặc sao giòn, sao với rượu, giấm hoặc đốt tồn tính, rồi tán bột, rây mịn.

Dược liệu chứa protid, lipid, canxi và sắt, có vị ngọt, mặn, hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, ích tinh, giảm đau chữa mồ hôi trộm, đái nhiều về đêm, xuất tinh sớm, di tinh, liệt dương, đau lưng, trẻ em đái dầm, người cao tuổi đái són, phụ nữ kinh bế, khí hư. Thường dùng phối hợp.

- Chữa đau lưng, đái són: Tang phiêu tiêu 30g, ba kích 30g, thạch hộc 20g, đỗ trọng 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tán bột, rây mịn, luyện với mật ong làm viên 6g. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 viên với ít rượu hâm nóng. Hoặc tang phiêu tiêu 10g, kim anh 10g, liên tu 10g, sơn dược 12g, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa đái dầm: Tang phiêu tiêu 12g, đảng sâm 12g, phá cố chỉ 12g, ích trí nhân 8g, thỏ ty tử 8g, ba kích 8g. Các dược liệu phơi khô, sắc uống làm 2-3 lần trong ngày.

- Chữa xuất huyết ở phổi, dạ dày: Tang phiêu tiêu 9g, sao vàng, tán bột mịn, uống làm ba lần trong ngày với nước sắc bạch cập (15g sắc lấy 100ml).

- Chữa tiểu tiện không thông: Tang phiêu tiêu 8g, hoàng cầm 10g, nấu nước uống ngày một thang.

- Chữa bạch đới, khí hư: Tang phiêu tiêu tẩm rượu, sao khô, tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống 8g với nước gừng, ngày 2-3 lần.

- Chữa viêm tai có mủ, đau nhức: Tang phiêu tiêu 10g, đốt tồn tính; xạ hương 0,5g tán nhỏ, rây mịn. Trộn đều, dùng tăm bông thấm thuốc bôi vào tai, ngày vài lần.

- Chữa hóc xương cá: Tang phiêu tiêu 12g, giã nhỏ, nấu với giấm, uống làm nhiều lần trong ngày.


Tang đố trùng (sâu dâu, nhậy dâu), thu hoạch bằng cách tìm những lỗ thủng trên thân cây dâu, có phân đùn ra ngoài, cắt lấy và chẻ dọc để lấy sâu. Chỉ dùng những con to, dài 3-5cm, toàn thân mềm nục, màu trắng như sữa, có những điểm chấm nhỏ màu nâu đỏ ở phần ngực và chia đốt ở phần bụng. Dùng ngay hoặc phơi, sấy khô.

Dược liệu có vị ngọt, mặn, béo, mùi thơm (khi sao), tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu tích, giải độc, giảm ho, cầm máu. Theo sách thuốc cổ Nam dược thần hiệu, tang đố trùng (nam 7 con, nữ 9 con) nấu với gạo nếp thành cháo, ăn làm 3 lần trong ngày chữa nốt đậu nung mủ không đầy.

Theo kinh nghiệm dân gian, tang đố trùng 3-5 con, cho vào một chén nhỏ cùng với ít mật ong hoặc đường kính, hấp chín rồi nghiền nát cho trẻ uống làm nhiều lần trong ngày, chữa cam còm, lở mũi miệng, đau mắt, chảy nhiều nước mắt, ho sốt, kinh phong. Tang đố trùng nướng qua, ngâm vào rượu trong nhiều ngày, uống chữa suy nhược, gầy yếu, hay mệt mỏi ở người cao tuổi. Để chữa ho, lấy tang đố trùng nướng vàng giòn, tán bột, trộn với mật ong mà uống. Khi bị băng huyết, phụ nữ thường lấy tang đố trùng nướng cho gần cháy đen, tán bột, uống với rượu hâm nóng, mỗi lần 4-8g, ngày 2-3 lần.

Phân của tang đố trùng (tên gọi ở miền Nam là bù xè) sao vàng, tán bột mịn, ngày uống hai lần, mỗi lần 4g với rượu để chữa hậu sản ra máu, băng huyết. Nếu trộn phân tang đố trùng với nước làm thành viên bằng hạt nhãn, uống mỗi lần 1-2 viên với nước cơm lại chữa hậu sản đi lỵ nhiều lần trong ngày.

Theo DS. Đỗ  Huy BíchSức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét