Đông Y - Bài Thuốc Quanh Ta

Hà thủ ô có thể làm đen tóc?

Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.



Màu sắc của tóc là do những tế bào sắc tố melanin. Các tế bào sắc tố tập trung nhiều ở các nang lông của sợi tóc, màu đen của tóc là biểu hiện của sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, nội tiết cân bằng, cơ thể được cung cấp đầy đủ các yếu tố vi lượng như đồng, kẽm….
Cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây tóc bạc sớm có thể do di truyền, rối loạn nội tiết, khi lượng melanin được sản xuất ở nang tóc giảm, dinh dưỡng kém, hút nhiều thuốc lá, làm việc suy nghĩ nhiều, hay bị căng thẳng thần kinh…
Hà thủ ô có thể làm đen tóc? 1
Cây hà thủ ô.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng chứa tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sớm bạc và dễ rụng. Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu. Một số cách dùng hà thủ ô đơn giản làm đen râu tóc như sau:
Bài 1: Hà thủ ô 30g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, mổ bụng, rửa sạch. Hà thủ ô nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày
Hà thủ ô có thể làm đen tóc? 2
Hà thủ ô đã sơ chế.
Bài 2: Hà thủ ô 60g, trứng gà 3 quả. Sắc hà thủ ô lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được
Bài 3: Hà thủ ô 30g, đại táo 3 quả, gạo tẻ 100g, đường đỏ 50g. Hà thủ ô ngâm nước 2 giờ rồi sắc trong 1giờ, bỏ bã lấy nước đem nấu với gạo và đại táo thành cháo, chế thêm đường ăn trong ngày. Hoặc hà thủ ô 15 - 20g cho vào nồi đất hầm nhừ rồi cho thêm 50 - 100g gạo nấu tiếp thành cháo, chế thêm mật ong ăn khi đói bụng.
Bài 4: Hà thủ ô 20g, sơn tra 20g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 - 20 phút là dùng được, uống thay trà hàng ngày.
Bài 5: Hà thủ ô 120g, đương quy 60g, sinh địa 80g, rượu trắng 2.500ml. Các vị thuốc thái vụn gói trong túi vải rồi cho vào vò ngâm với rượu, nút kín để nơi thoáng mát khô ráo, sau 1tuần có thể dùng được. Uống mỗi ngày 15ml vào buổi sáng.
Bài 6: Hà thủ ô 200g, kỷ tử 50g, long nhãn 200g, đinh hương 15g, mật ong 50g, rượu trắng 2.000ml. Các vị thuốc thái vụn ngâm với rượu trong 36 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 - 20ml.
AloBacsi.vn
Theo ThS Hoàng Khánh Toàn - Sức khỏe & Đời sống

************************************************************

Cỏ mần trầu tiêu viêm, trừ thấp

Cỏ mần trầu còn có tên màn trầu, mọc khắp nơi ở nước ta, thu hái vào mùa khô. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, dùng ở dạng tươi hay khô.

Theo Đông y, mần trầu vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm trừ thấp, cầm máu, tán ứ và mát gan. Liều dùng hằng ngày 16 - 20g khô hoặc 40 - 100g tươi, dạng thuốc sắc hay hoàn, thường dùng phối hợp với các vị khác để chữa một số chứng bệnh dưới đây rất hiệu quả.
Chữa tăng huyết áp: dùng cây tươi 500g, rửa sạch, giã nát, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc qua vải và vắt lấy nước cốt, thêm ít đường cho đủ ngọt. Uống 2 lần, sáng và chiều.
Cỏ mần trầu tiêu viêm, trừ thấp 1
Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.
Chữa viêm da, vàng da: cỏ mần trầu tươi 60g, rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống.
Chữa viêm tinh hoàn: cỏ mần trầu 60g, cùi vải 10 cái. Sắc uống.
Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít: cỏ mần trầu 16g, cỏ tranh 16g. Sắc uống.
Chữa sốt cao co giật, hôn mê: vỏ mần trầu 120g. Sắc với 600ml nước, còn 400ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
Mần trầu cũng là một vị thuốc trong toa thuốc căn bản: cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, mần trầu 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g. Tác dụng của mần trầu trong bài là giải độc, an thai, thanh nhiệt.
AloBacsi.vn
Theo BS. Tiểu Lan - Sức khỏe & Đời sống

************************************************************

Cải bó xôi, chữa thiếu máu

Ăn cải bó xôi thường xuyên làm giảm biến chứng đái tháo đường, ung thư tiền liệt tuyến và buồng trứng…

Cải bó xôi còn gọi là rau chân vịt, ba thái, có tên khoa học là Spinacia oleracea L. Chenopodiaceae. Cải bó xôi thường có cuống nhỏ và lá xanh đậm, lá mọc chụm lại ở một gốc bé xíu. Thân và lá dòn, dễ gãy, dập. Cải bó xôi không những là một món ăn ngon mà còn có tác dụng rất "thần kỳ" trong y học để phòng và chữa nhiều bệnh.
Cải bó xôi có tác dụng bổ huyết, do đó có lợi với người bị thiếu máu. Ăn cải bó xôi có tác dụng tống đẩy chất thải qua đường tiêu hóa (thông tiện), giúp tiêu hóa nhanh hơn (tiết dịch), bảo vệ lớp niêm mạc tiêu hóa tránh vi khuẩn và chất độc tấn công (tiết nhầy). Ăn cải bó xôi thường xuyên làm giảm biến chứng đái tháo đường, ung thư tiền liệt tuyến và buồng trứng…Cải bó xôi có thể hấp, luộc, xào, nấu canh với tôm, thịt ăn rất ngon và nhiều dinh dưỡng.
Sau đây là một số tác dụng của cải bó xôi:
- Nhuận trường, thông đại tiện: Nấu gạo tẻ thành cháo, sau đó cho cải bó xôi (đã rửa sạch, để ráo, cắt khúc) vào đun sôi lại là dùng được.
- Tăng tiết dịch tụy mật, các tuyến nội tiết: 300g cải bó xôi rửa sạch, xắt sợi nhỏ, 50g cật heo, 50g gan bò, 3g hành tây. Tất cả nấu trong 500ml nước, nêm 1/3 muỗng bột nêm, còn 150ml, cho thêm 3 tép đầu hành lá. Ăn sáng, trưa, chiều, liền trong 3 tuần.
- Bổ trợ tim suy: 250g cải bó xôi, 150g dây lá chùm bao (lạc tiên), 5g cam thảo, sao khử thổ chung 3 thứ rồi tán nhuyễn uống uống liên tục với nước sôi để nguội.
Chống hoại huyết: 150g cải bó xôi, rửa sạch, xắt sợi nhỏ, ngâm chung với 1/3 muỗng cà phê muối khoảng 1 giờ. Sao, khử thổ, tán nhuyễn. Lúc khát, pha 1 muỗng canh trong 30ml nước đun sôi để nguội. Uống 1 - 4 lần/ngày. Liên tục trong 10 ngày.
- Chống thiếu máu, hạ huyết áp: 100g cải bó xôi, rửa sạch, xắt nhỏ, cho ½ muỗng cà phê bột nêm, 3g hành tây xắt khoanh. Nấu 3 chén nước còn 1 chén. Ăn cái, uống nước ngày 2 lần.
- Trị mắt quáng gà: 500g cải bó xôi tươi, nghiền nát lấy nước, mỗi ngày uống 2 lần.
- Phòng ngừa cao huyết áp, đi đại tiện khó: Cải bó xôi tươi 300g, cho vào nước sôi ngâm trong vòng 3 phút, sau đó vớt ra trộn với muối, dầu vừng. Mỗi ngày ăn hai lần.
- Chữa viêm cấp đường tiêu hóa, táo bón, kiết lị: 100g cải bó xôi, 1/3 muỗng cà phê muối, nấu với 3 chén nước, còn 1 chén. Người lớn uống một lần vào buổi trưa. Trẻ em uống sáng và chiều.
- Cần cho thai phụ: Ăn cải bó xôi trong 3 tháng đầu mang thai giúp hình thành các dây thần kinh ghi nhớ, học tập ở bào thai.
Ngoài ra cải bó xôi còn có nhiều tác dụng khác như giảm hen suyễn, quáng gà, đục thủy tinh thể, viêm gan, đau đầu, đau mắt, viêm đau khớp, nóng trong người, rụng tóc, táo bón ở người già, viêm đường tiết niệu, mỡ máu cao…
Lưu ý: Người bị sỏi thận, lao phổi, lạnh bụng không nên ăn cải bó xôi nhiều. Khi chế biến, nên nấu ở nhiệt độ vừa đủ nhằm bảo toàn nguồn dinh dưỡng.
AloBacsi.vn
 Theo DS Mỹ Nữ - Nông Nghiệp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét